Old Prague was a story-book city caked in grime: ancient, soot-blackened. History lived in every detail: in the deerstalker rooftops and the blue-sparking trams. He wandered the streets in disbelief, photographing everything…

– Philip Sington –

Tôi có cái may mắn khi được đến Praha trong một mùa Giáng sinh ấm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân tới Đông Âu. Praha – “Thành phố vàng” (“Zlaté město“) – “Thành phố của trăm đỉnh tháp” (“Stověžatá Praha“) được xây dựng trên 9 ngọn đồi (Letná, Vítkov, Opyš, Větrov, Skalka, Emauzy, Vyšehrad, Karlov cùng Petřín) dọc theo sông Vltava. Cùng với ParisVenise, Praha cạnh tranh danh hiệu thành phố đẹp nhất, hay tuyệt nhất với những ai đang yêu ❤😊😍. Nếu như Paris có sông Seine, Venise có vịnh Laguna di Venezia bao bọc, thì Praha có dòng Vltava chia thành phố thành hai nửa không bằng nhau. Bên tả ngạn là khu Malá Strana, hòn ngọc của kiến trúc baroque, gồm nhiều lâu đài lộng lẫy của giới quý tộc Praha, xây dọc theo những lối dốc đi lên lâu đài hoàng gia ngự trên đỉnh Petřín, tất cả nằm dưới bóng tháp chuông nhà thờ thánh Vitus. Hữu ngạn gồm thành phố cổ (“Staré Město”) và thành phố mới (“Nové Město”), nơi tập trung của giới tư sản Tiệp cũ. Hai bên bờ được nối với nhau qua cây cầu đá tình yêu Charles.

Nói đến Praha, hình ảnh đầu tiên gợi đến chúng ta cõ lẽ là cây cầu Charles (Người Việt quen gọi là cầu Tình yêu). Nhưng lịch sử trôi qua để lại cho Praha còn nhiều thứ khác chứ đâu chỉ có cây cầu nghệ thuật như một bảo tàng lộ thiên đó. Nếu có ai hỏi du lịch Praha có điểm nào hay nhất, chắc chắn tôi không trả lời ngay được. Đơn giản nó có quá nhiều thứ để khoe. Những vị vua Bohemia, nhờ những mỏ bạc ở Kutná Hora, có đủ tiềm lực tài chính để cho xây dựng một thành phố rực rỡ nhất châu Âu thời trung cổ, chỉ sau thành Rome và Constantinople. Ở Praha, có môt sự pha trộn của nhiều trường phái kiến trúc, kết nối nhiều thời kỳ phát triển, nhưng những công trình đến sau, không hề phá vỡ, mà luôn hài hoà và tô điểm thêm cho những gì đã thành rêu phong rực rỡ. Praha phi chiến địa, thành phố gần như nguyên vẹn sau hai cuộc thế chiến. Praha, “trái tim của châu Âu”, “viên ngọc đẹp nhất của vùng Trung Âu”, ngoài những công trình kiến trúc của mình, còn thu hút tôi ở phần hồn của nó. Praha luôn là một trong những thủ đô âm nhạc lớn của châu Âu. Tới du lịch Praha nếu không đi nghe một buổi hoà nhạc, cũng giống như tới Maldives mà không tận hưởng những bãi biển cát trắng vậy. Chính thành phố này là nơi tài năng của Mozart được công nhận một cách xứng đáng nhất, ông cho công diễn hai vở opera “Đám cưới của Figaro” và “Don Giovanni” của mình tại Praha chứ không phải ở Wien.

Tóm tắt lại, có quá nhiều lý do khiến Praha là thành phố của tình yêu, để yêu. Tôi yêu Praha say đắm trong chuyến đi lần này (“trừ những lúc thấy nó ngột ngạt do lượng khách du lịch quá lớn”). Nó đẹp trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời điểm, trong thứ ánh sáng tinh mơ hơi mờ sương buổi sáng, trong thứ ánh sáng trong vắt như đôi mắt của nàng công chúa tuyết lúc giữa ngày, hay khi những ngọn đồi quanh thành phố được nhuộm màu nắng vàng rót mật khi chiều xuống, khi được ngắm Praha trong một màu trời tía rực rỡ lúc thành phố chạng vạng lên đèn. Nếu có một lời khuyên tôi chỉ xin nói : “Hãy tới Praha!”.

Lịch trình tham quan Praha
Ngày thứ nhất : Staré Město, Malá Strana cùng nhạc Jazz

Chúng tôi bắt đầu chuyến bách bộ hơn ba ngày đi thăm du lịch Praha xuất phát từ quảng trường Cộng hoà (“Náměstí Republiky”). Đây cũng là điểm xuất phát của con đường Hoàng gia (“Royale Route”), con đường mà mỗi vị vua Bohemia được rước đi qua toàn thành phố từ Hoàng cung lên nhà thờ thánh Vitus trong lễ đăng cơ. Tại vị trí Hoàng gia cũ nay là nhà hát Thành phố (“Obecní dům“), một tuyệt phẩm của nghệ thuật kiến trúc Art Nouveau. Ngay bên cạnh là tháp quản thuốc súng (“Prašná brána“), vốn là một trong 13 cổng thành cổ Praha. Được ví như thành phố của trăm ngọn tháp chuông, nếu đã đến Praha không nên bỏ lỡ dịp leo lên một trong những đỉnh tháp và ngắm Praha từ trên cao xuống. Trong những tháp cho phép tham quan của khu phố cổ “Staré Město”, tôi thấy “Prašná brána” là lựa chọn hợp lý, không phải xếp hàng quá lâu, và view thật tuyệt về toàn bộ khu phố cổ, khu phố mới, cũng như về phía tả ngạn sông Vltava.

Praha

Từ tháp “Prašná brána”, có nhiều con đường để đi về quảng trường chính khu phố cổ (“Staromětské Náměstí“), trái tim của thành phố, với hai công trình nổi bật nhất là Nhà thờ Đức bà Týn, (“Týnský chrám”) cùng tháp đồng hồ thiên văn Praha (“Pražský orloj“). Tương truyền, nghệ nhân Hanuš, người đã thiết kế ra chiếc đồng hồ này, đã bị làm mù đôi mắt, vì dân Praha sợ có một thành phố thứ hai có được một tuyệt phẩm như thế. Praha là một trong những điểm đến có sức hút lớn nhất châu Âu. 5 triệu khách du lịch đến thăm thành phố hàng năm, đa phần chỉ tập trung trên trục của con đường Hoàng gia. Nếu bạn chọn những con phố song song, sẽ được ngắm và cảm nhận một điểm du lịch Praha hoàn toàn khác. Từ tháp “Prašná brána”, chúng tôi không đi theo phố “Celetná” mà chọn qua lối nhà hát quốc gia (“Stavovské divadlo”). Đến quảng trường (“Staromětské Náměstí“) và cầu Charles lúc tầm chiều, thú thực do lượng khách quá đông nên tôi không tận hưởng được gì nhiều, tôi quyết định sáng mai sẽ dậy sớm và quay lại.

Praha

Qua bên kia sông là khu “Malá Strana”, được mệnh danh là hòn ngọc của kiến trúc baroque. Ở đây gồm nhiều dinh thự, lâu đài của giới đại quý tộc Séc, xây từ bờ sông Vltava lên theo triền đồi Petrin mà điểm cao nhất là lâu đài hoàng gia “Pražský hrad”. Ngày tham quan đầu tiên vốn chưa có một mục tiêu cụ thể nào, tôi chỉ lững thững bách bộ tuỳ hứng để cảm nhận những ấn tượng đầu tiên về thành phố. Từ cầu Charles, con đường ngắn nhất để lên lâu đài là đi theo con đường Hoàng gia, qua các phố Mostecká và Nerudova cùng quảng trường “Malostranské náměstí”. Nhưng tôi lại quyết định rẽ sang phải, ra phố Cihelná gần bảo tàng Franz Kafka, nơi luôn có một gia đình thiên nga về Praha trú đông. Nếu từ cầu rẽ sang trái, có thể ngang qua bức tường tưởng niệm John Lennon tại quảng trường Velkopřevorské náměstí, biểu tượng của tuổi trẻ Praha và Tiệp Khắc cũ khát vọng cho tự do, đấu tranh đòi giải phóng khỏi xiềng xích. Khi lên đến lâu đài trời đã đổ bóng xế tà, chỉ chụp vài tấm ảnh thành phố lên đèn, trước khi đi uống bia trong một quán truyền thống. Buổi tối ngày đầu, cùng vài người bạn, chúng tôi lui tới nghe jazz tại câu lạc bộ Reduta Jazz Club. Quán là nơi có tiếng cả về chất lượng nghệ thuật cũng như về tính lịch sử của nó. Nằm ngay dưới tầng hầm của quán Cafe Louvre, đây là một trong những nơi hiếm hoi kinh doanh độc lập, lại chơi jazz dưới thời cộng sản. Tổng thống Bill Clinton đã từng tới đây chơi saxophone, cũng như Tổng thống Cộng hoà Séc Václav Havel chọn dẫn ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới nghe khi bà về thăm Praha. Chương trình thay đổi hàng đêm, với mọi trường phái jazz : dixieland, free, big band, blues… Tối chúng tôi ghé qua, may mắn có một ban lục tấu chơi rất cừ từ Chicago qua, một kết thúc hoàn hảo cho ngày đầu tiên tại thành phố vàng.

du lịch Praha

Praha

Ngày thứ hai : Cầu Charles, Hradčany cùng nhạc thính phòng

Để cảm nhận trọn vẹn khu phố cổ “Staré Město” và cầu Charles mà không bị cái cảm giác ngột ngạt do có quá đông khách du lịch vây quanh, tôi quyết định cố dậy sớm và ra khỏi khách sạn lúc vừa bình minh. Cầu Charles dưới cái nắng buổi sớm phủ mờ sương, không có hàng đoàn khách đang selfie, khác hoàn toàn cây cầu mà hôm qua tôi chiêm ngưỡng. Sáng nay, khi đi lên lâu đài, tôi phát hiện song song với con đường theo các phố Mostecká và Nerudova, từ phố Thunovská, còn có một cầu thang đá lên đỉnh đồi vô cùng ấn tượng. Ngày thứ hai, ngoài việc cố ngắm bình minh trên cầu Charles, thời gian còn lại chủ yếu để thăm quan lâu đài “Pražský hrad”, cũng như ngắm và chụp Praha trong những sắc thái ánh sáng khác nhau ở các thời điểm trong ngày. Thành phố trong thứ ánh sáng tinh mơ hơi mờ sương buổi sáng, trong ánh sáng trong vắt như đôi mắt của nàng công chúa tuyết lúc giữa ngày, hay khi những ngọn đồi quanh Praha được nhuộm màu nắng vàng rót mật khi chiều xuống, hay ngồi đợi ngắm Praha trong một màu trời tía rực rỡ lúc thành phố chạng vạng lên đèn. Đồi Petrin trước khi được giới đại quý tộc lấy làm những dinh thự hoa lệ, vốn là đất trồng nho làm rượu. Lối đi lên phía sau của lâu đài, vẫn còn vài khoảng ruộng trồng nho, xen quanh những lối mòn đi ngược xuống thành phố. Nếu được ngồi đây vào mùa hè, uống thứ rượu vang trắng địa phương, vị hơi ngọt mà mát, rồi đợi màu trời ngả sang sắc ánh sáng của hoàng hôn thì thật tuyệt. Buổi tối ngày thứ hai, chúng tôi chọn thưởng thức một thứ đặc sản khác của địa phương, đi nghe một buổi hoà tấu nhạc thính phòng, trước khi chọn ăn tối tại một quán gần cầu “Most legií” bên tả ngạn. Chọn quán này để hơi xa trung tâm một tí, muốn thử xem không khí một quán ăn dành cho dân Séc gốc nhiều hơn là khách du lịch

Mẹo nhỏ :

Khi du lịch cùng người lớn tuổi hay trẻ nhỏ , nếu không tiện leo bộ lên lâu đài vốn nằm trên đỉnh đồi Petrin, mọi người có thể bắt tuyến tàu điện số 22 từ quảng trường “Malostranské náměstí”, rồi xuống ở bến “Pražský hrad”.

du lịch Praha

Praha

Ngày thứ ba : Josefov, công viên Letná, chợ Sapa

Trước khi đi du lịch Praha, chúng tôi đã được rất nhiều bạn bè giới thiệu về món bún ngan nướng của quán Dũng Liên trong chợ Sapa. Những quán trong chợ thường không mở cửa bán buổi tối, nên phải tới đây tối thiểu từ giữa giờ chiều. Chương trình tham quan của ngày thứ ba vì vậy tương đối gọn nhẹ. Sáng đi tham quan khu phố Do Thái Josefov. Vì vốn kiến thức chưa đủ để hiểu về lịch sử dân tộc này, nên điểm gây ấn tượng duy nhất với tôi là khu nghĩa trang cổ Do thái. Hơn 12 000 bia mộ cổ khắc đá như mọc ngổn ngang, dưới một thứ ánh sáng ngỡ kèm ảo ảnh đang len lỏi qua những tán lá cổ thụ hắt soi từng hàng chữ. Khu Do Thái ngày nay đã không còn vết tích của những khu phố ổ chuột tự quản mà họ đã buộc phải sinh sống trong nhiều thế kỷ. Vào cuối thế kỷ 19, khu Josefov được quy hoạch lại theo lối kiến trúc Hausmann ở Paris, những khu nhà ổ chuột cũ được phá huỷ để tạo nên những khu phố mới sang trọng được chia cắt bởi những đại lộ lớn. Đại lộ Paris (“Parižská“) nằm giữa khu là một trong những con phố sang trọng nhất Praha, nơi những nhãn hàng xa xỉ chọn đặt cửa hiệu của mình. Nếu đi thẳng phố “Parižská” ra phía bờ sông, qua bên kia cầu Čech (Čechův most), sẽ thấy những bậc cầu thang đi lên công viên Letná. Góc nhìn toàn cảnh từ công viên về phía thành phố rất khó đâu sánh bằng.

Lưu ý :

Nên lưu ý do lễ shabbat, khu Do thái đóng cửa vào các ngày thứ 7 hàng tuần.

du lịch Praha
Khu nghĩa trang cổ Do thái

du lịch Praha
Praha chụp từ công viên Letná

Ngày cuối : Nové Město

Chúng tôi tận dụng nốt mấy tiếng buổi sáng cuối cùng để thăm thành phố mới (“Nové Město”). Trái với tên gọi của nó, khu phố đã được xây dựng cách đây gần 8 thế kỷ dưới triều đại vua Charles IV. Truyền thuyết ghi rằng một nhà tiên tri đã nói với vị vua, rằng thành Praha tráng lệ của ngài một ngày rồi sẽ biến mất, khu “Malá Strana” sẽ bị thiêu rụi trong một trận hoả hoạn, còn thành phố cổ “Staré Město” sẽ bị nhấn chìm theo một cơn lũ lớn. Nhà vua nói, dù có vậy đi chăng nữa, nhưng Praha của ta mãi trường tồn, và cho xây dựng thành phố mới “Nové Město”, bên ngoài bờ tường thành “Staré Město”. Thời gian cũng chỉ đủ ghé thăm quảng trường Venceslas (“Václavské náměstí“). Nếu trái tim lịch sử của Praha nằm tại quảng trường “Staromětské Náměstí”, thì trái tim nghệ thuật của thành phố lại quanh quảng trường Venceslas. Quảng trường được vây bọc bởi những palace với kiến trúc Art Nouveau lộng lấy. Praha là thành phố của những con ngõ nhỏ (“pasáz“), thông từ phố này sang phố khác. Tầng một của mỗi palace quanh quảng trường thường có một “pasáz” trang hoàng lộng lấy, nơi tập trung những rạp chiếu phim, những nhà hát cổ, những quán cà-phê của giới văn sĩ, những phòng tranh, hay những cửa hàng buôn bán lâu đời. Ấn tượng nhất có lẽ là Palác Koruno ở số 1 quảng trường Venceslas, Palác Lucerna nối hai phố Vodičkova và Štěpánská với quảng trường, hay Palác Adria nằm ở góc phố Jungmannova và đại lộ Národni. Điểm cuối của cuộc hành trình, chúng tôi đi ngược theo đại lộ Národni về phía nhà hát lớn (“Národní divadlo“), từ đây, rẽ vào ke Masaryk (“Masarykovo nábřeží“) với những dinh thự tuyệt đẹp sơn nhiều màu sắc nhìn ra sông, trước khi đến ngôi nhà nhảy múa (“Dancing house”). Một tình cờ nhỏ khi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình từ tháp “Prašná brána”, vết tích của bờ tường thành khu thành phố cổ, một trong những công trình có niên đại lâu đời nhất Praha, để kết thúc với một công trình Praha đương đại. Không hề sắp đặt, nhưng lịch sử sắp xếp hài hoà để ta bước chân tìm hiểu thành phố, cũng như đi xuyên suốt thời gian biểu phát triển của nó.

du lịch Praha
Palác Lucerna

Đổi tiền tại Praha

Lưu ý là Cộng hoà Séc chưa dùng tiền euro (€) mà dùng đồng Koruna Séc (viết tắt là Kč hay CZK). Một 1€ ~ 27Kč (thời điểm tháng 1/2016), để dễ tính toán khi mua hàng, nên quy đổi 1Kč bằng xấp xỉ 1000 VND. Nếu rút tiền qua máy ATM, tỉ giá quy đổi thường vào khoảng 1€ ~ 24Kč nếu tính cả phí dịch vụ. Nếu bạn không kịp đổi tiền trước khi đi, thì chỉ nên rút một ít tiền ở sân bay đủ để đi về trung tâm thành phố. Trong khu trung tâm có rất nhiều quầy đổi tiền nhưng tỉ giá cũng như phí dịch vụ chênh lệch nhau rất nhiều. Chúng tôi đã khảo sát được một quầy đổi tiền có vị trị thuận lợi, ngay cạnh quảng trường trung tâm khu phố cổ (Staroměstské náměstí), tỷ giá tốt được niêm yết trên website của công ty, không mất phí dịch vụ. Ngoài ra, tại Praha, rất nhiều các siêu thị nhỏ (mini-market) và các ki-ốt bán đồ tạp hoá do người Việt mình làm chủ, có thể vào hỏi đổi tiền, và tất nhiên nếu tỉ giá OK thì đổi và không mất phí dịch vụ gì cả. Trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nên có gì cũng dễ dàng hơn.

  • EXCHANGE s.r.o.  Kaprova 14/13, 110 00 Praha 1-Josefov +420 800 225 588. Website. Có vị trí thuận tiện nằm ngay gần quảng trường trung tâm khu phố cổ (Staroměstské náměstí). Tỷ giá tốt, được niêm yết rõ ràng trên website của công ty, không mất phí dịch vụ. Có thể dễ dàng nhận ra tiệm, một cửa hàng lớn nằm ở góc phố Kaprova nhìn ra quảng trường Náměstí Franze Kafky. Mở cửa từ 9h sáng đến 20h tối hàng ngày.

Praha

Có một App khá hay để nhanh chóng quy đổi tỉ giá giữa các ngoại tệ là XE Currency. Khá hữu dụng khi tiêu một đồng tiền mà mình không quen như đồng Kč.

‎Xe Currency & Money Transfers
‎Xe Currency & Money Transfers
Xe -Converter & Money Transfer
Xe -Converter & Money Transfer
Dùng Revolut – Thẻ tín dụng đổi ngoại tệ miễn phí với tỉ giá tốt nhất :

Ngay cả với những người chỉn chu và kỹ tính nhất, với những dịch vụ truyền thống, vẫn chưa có phương án tối ưu cho một vấn đề thường gặp khi lên đường, đó là việc đổi ngoại tệ. Nếu không bận tâm gì nhiều thì tiện nhất là cứ quẹt thẻ, hay dùng thẻ ra ATM rút tiền bản địa khi tới nơi. Tuỳ vào loại thẻ và loại hợp đồng mà bạn đã kí, mà bạn sẽ có tỉ giá tốt hay không, cùng kèm các phí dịch vụ nhiều hay ít đi kèm. Nếu cầm theo tiền mặt, rồi hơi để ý và mất công tìm những chỗ đổi tiền có tỉ giá tốt nhất để đổi, thì vẫn chưa chắc đã là tiết kiệm nhất, vì nếu đổi thừa tiền, nhất là với những đồng tiền không phổ biến, thì cũng thành vật kỷ niệm mang về nhà mà thôi.

Thẻ tín dụng Revolut ra đời để giải quyết bài toán này. Vậy tóm tắt Revolut là gì, nó là một thẻ tín dụng mà bạn không mất bất cứ phí dịch vụ đổi tiền nào, và tỉ giá mà Revolut đổi cho bạn luôn là tỉ giá tốt nhất.

Tại sao tỉ giá Revolut đảm bảo cho bạn là tỉ giá tốt nhất. Vì tỉ giá mà hãng dùng là tỉ giá liên ngân hàng. Giải thích đơn giản, tỉ giá liên ngân hàng là tỉ giá giữa các ngân hàng dùng để mua bán ngoại tệ với nhau. Bạn Google ra tỉ giá nào thì đấy là tỉ giá sẽ được áp dụng cho Revolut, thay đổi theo thời gian thực, biến đổi từng giây khi thị trường mở cửa. Click vào đây để đọc hướng dẫn chi tiết về Revolut.

‎Revolut - Mobile Finance
‎Revolut - Mobile Finance
Developer: Revolut Ltd
Price: Free
Revolut: Spend, Save, Trade
Revolut: Spend, Save, Trade
Developer: Revolut Ltd
Price: Free
Kinh nghiệm di chuyển đến Praha khi du lịch tự túc
  • Bằng máy bay : Sân bay chính của Praha mang tên Václav Havel Prague (mã IATA : PRG), nằm cách thành phố 20 km về phía Tây Bắc. Để di chuyển về trung tâm thành phố, có thể đi bằng phương tiện công cộng (bus và metro), mất 32 Kč để về được trung tâm thành phố, hay bắt taxi.
      • Bằng phương tiện công cộng :
          • Bus #100 – Nối sân bay với bến metro Zličín trên đường Metro-Praha-B – chạy từ 5:41 sáng đến 23:36 đêm
          • Bus #119 – Nối sân bay với bến metro Nádraží Veleslavín trên đường Metro-Praha-A – chạy từ 4:23 sáng đến 23:44 đêm
          • Bus #510 chạy đêm – từ 23:57 đến 3:57
      • Bằng taxi :
        Hãng taxi chính thức duy nhất được hoạt động trong sân bay là hãng AAA, giá cước của hãng là 26 Kč cho một km. Mất tầm khoảng 550-600 Kč để về được trung tâm thành phố.
  • Bằng tàu hoả :
    Hăng đường sắt quốc gia Séc mang tên České dráhy – viết tắt là ČD (www.cd.cz). Đa phần tầu quốc tế sẽ đến nhà ga trung tâm “Praha hlavní nádraží” (được viết tắt là Praha hl.n.). Nhà ga có nối với bến metro “Hlavní nádraží” nằm trên đường Metro-Praha-C. Nếu hành lý của bạn không quá nặng, có thể đi bộ vào trung tâm thành phố, nhà ga rất gần quảng trường “Náměstí Republiky”. Có thể tham khảo thời gian di chuyển bằng tàu hoả từ Praha đi một số điểm đến khác ở Trung Âu

      • Berlin : đi mất 4 tiếng rưỡi
      • Wien : đi mất gần 5 tiếng
      • Bratislava : đi mất 4 tiếng
      • Budapest : đi mất 7 tiếng
  • Bằng xe bus :
    Có lẽ là phương tiện tiết kiệm nhất để tới Praha, và nếu so với một số hành trình, thì thời gian đi bus không lâu hơn là mấy. Từ Praha đi Berlin bằng xe của hãng Flixbus (www.flixbus.com) chỉ mất 5 tiếng; nếu đi Wien mất 4 tiếng còn nhanh hơn ngồi tàu. Xe bus quốc tế thường đến bến Florenc (có bến metro nối với các tuyến Metro-Praha-B Metro-Praha-C). Bến xe nằm ngay cạnh nhà ga trung tâm, hoàn toàn có thể đi bộ vào khu phố cổ.

Praha

Kinh nghiệm đi lại khi du lịch Praha

Hệ thống giao thông công cộng khi du lịch Praha thuận tiện và an toàn, gồm 3 tuyến metro Metro-Praha-A Metro-Praha-B Metro-Praha-C (tương ứng với ba màu xanh, vàng, đỏ), hơn 20 chuyến tàu điện, cùng với bus và tàu leo dốc lên đỉnh Petřín. Đi vào khu trung tâm chủ yếu dùng metro và tàu điện. Về vé giao thông đi lại chia ra làm 4 loại sau (giá đầu năm 2016) :

  • 24 Kč – Có giá trị trong vòng 30 phút
  • 32 Kč – Có giá trị trong vòng 60 phút
  • 110 Kč – Có giá trị trong vòng 24 giờ
  • 310 Kč – Có giá trị trong vòng 72 giờ

Trẻ con từ 10 đến 16 tuổi được giảm 50% giá, trẻ con dưới 10 tuổi được miễn phí. Vì khu trung tâm du lịch Praha tương đối nhỏ, từ điểm này tới điểm khác đều có thể đi bộ được, vì vậy không nên mua vé ngày, mà chỉ cần mua vé mỗi lượt để đi vào trung tâm thành phố. Lưu ý là ở nhiều máy bán vé tự động chỉ nhận tiền xu.

du lịch Praha

Nếu bạn nhớ nhà :

Có một cộng đồng người Việt Nam gốc Bắc rất đông sinh sống tại Praha, khu buôn bán sầm uất nhất của cộng đồng là chợ Sapa, cách trung tâm thành phố tầm 40 phút khi đi các phương tiện công cộng. Đây cũng là nơi với những ai đang nhớ nhà, có thể đến thưởng thức những món ăn đúng vị Bắc với giá cả phải chăng nếu so sánh với các thành phố khác ở châu Âu (phở, bún ốc, bún chả, bánh cuốn, bánh mỳ ba-tê, bún ngán nướng v.v.). Trong các món mà tôi đã ăn thứ, có bún ngan nướng của quán Dũng Liên rất xuất sắc. Các quán đóng cửa vào lúc 5-6 giờ tối tuỳ ngày.

  • Chợ Sapa  Libušská 319/126, 142 00 Praha 4-Libuš +420 216 216 516. Từ trung tâm Praha lấy tàu metro Metro-Praha-C đến bến Kačerov, sau đi tiếp bus số 113. Hoặc lấy tàu Metro-Praha-B đến bến Smíchovské Nádraží hay tàu Metro-Praha-C đến bến Chodov rồi lấy bus 197. Khi đi xe bus xuống ở bến Sídliště Písnice sẽ thấy ngay cổng chợ.

du lịch Praha

Quán ngon tại Praha

Ẩm thực Séc xoay quanh thứ quốc hồn quốc tuý của dân tộc bạn – “bia”. Mọi món ăn Séc đều ngon hơn với một vại bia lớn. Trung bình mỗi người dân Séc uống gần 200 lít bia một năm, đứng số 1 thế giới. Có hai loại bia chính được ưa chuộng nhất, bia “Pilsner Urquell” của thành phố “Plzeň” – nhẹ, mát và thơm. Hay bia “Budweiser Budvar” nấu tại “České Budějovice”, đậm vị hơn. Kèm với một vại bia lớn không gì hơn là một miếng sườn lợn nướng (“vepřová“) ăn kèm với bánh (“knedlíky“) hấp. Món ngan quay (“pečená husa“) cũng rất hợp để nhâm nhi. Những món ăn Séc đa phần ăn kèm nhiều nước sốt. Mùa lạnh, hay để tỉnh bia, không gì hay hơn là một bát súp nóng. Người Séc có thứ bánh mì đặc biệt mà vỏ làm bát đựng súp bên trong. Có tiếng hơn cả có lẽ món súp nấu rau (“zeleninova polévka“), hay súp nấu củ cải (“zelnačka“)

  • Havelská Koruna  Havelská 23, 110 00 Praha 1 -Staré Město +420 224 239 331. Website. Tripadvisor. Tình cờ trong chuyến bay từ Paris đến Praha, cô gái ngồi cạnh tôi (tóc vàng và rất xinh) giới thiệu quán mà cô vẫn ghé ăn mỗi lần về thăm nhà. Gọi nó là một căng-tin, quán tự phục vụ “self-service” thì chính xác hơn. Mỗi người tự lấy khay, rồi đi từng quầy chọn món ăn của mình. Mỗi ngày quán nấu tầm 20 món ăn đặc trưng Séc, đơn giản, đầy đặn mà ngon, như ăn cơm nhà. Giá cả hợp lý, có thể ăn với tầm 150 Kč mỗi người. Quán nằm ngay trong khu phố cổ Staré Město, mở cửa từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối hàng ngày.
  • U Medvídků  Na Perštýně 7, 110 00 Praha 1 -Staré Město +420 224 211 916. Website. Tripadvisor. Một trong những quán bia truyền thống nằm ngay trong khu trung tâm Praha. Nhìn bên ngoài khiêm tốn, nhưng vào trong mới biết không gian quán vô cùng rộng rãi, và đồng thời cũng là một trong những xưởng nấu bia cổ của Praha. Không khí ồn ào nhưng đậm chất Séc, đồ nhắm ngon, giá cả hợp lý.
  • Kolkovna Olympia  Vítězná 7, 110 00 Praha 1 +420 251 511 080. Website. Tripadvisor. Một quán bia nằm không mấy xa trung tâm khu Malá Strana, nhưng đã nằm ngoài khu tập trung khách du lịch, nên lượng khách chủ yếu là dân Séc gốc. Quán có trang trí lịch sự và tinh tế hơn một quán bia bình thường, đồ ăn là những món đặc sản Séc, giá cả hợp lý, ngon. Tiệm mở cửa từ 11 giờ sáng đến 12 giờ đêm hàng ngày

du lịch Praha

Quán nước :
  • Kafe Damu  Karlova 26, 110 00 Praha 1-Staré Město +420 234 244 269. Tripadvisor. Một bất ngờ nhỏ khi phát hiện ra một quán ngồi rất được ngay trên phố Karlova, nơi tưởng chỉ có những “máy chém” khách du lịch. Đây là quán cafe của Đại học sân khấu và nghệ thuật biểu diễn Praha (Divadelní fakulta Akademie múzických umění – DAMU), điểm lý tưởng để nghỉ chân nếu bạn muốn tạm tránh dòng người lúc nào cũng nghìn nghịt đổ từ Tháp đồng hồ thiên văn trên quảng trường Staroměstské náměstí qua phố Karlova đến cầu Charles. Nằm trong khuôn viên của Đại học, không gian quán tinh tế và hiện đại, giá cả mang tính “sinh viên” so với những quán xung quanh, nên hợp lý và phải chăng hơn rất nhiều, có wifi miễn phí. Quán mở cửa muộn từ sáng đến 12 h đêm hàng ngày, trừ ngày chủ nhật chỉ mở cửa từ chiều.

du lịch Praha

Kinh nghiệm đặt phòng tại Praha
  • Andel’S Hotel Prague  Stroupežnického 21, 150 00 Praha 5-Anděl +420 296 889 688. Website. Tripadvisor Metro-Praha-B bến Anděl. Chỗ ở là một trong những điểm mà tôi hài lòng nhất trong chuyến đi này. Giá cả vô cùng hợp lý, chỉ với 40€ một đêm (đặt qua trivago.com) cho một phòng 4 sao. Tuy không nằm trong khu trung tâm, nhưng vị trí của khách sạn tương đối thuận lợi, ngay cạnh bến metro, chỉ mất 20 phút là có thể đi bộ vào khu phổ cổ, đồng thời nằm ngay cạnh một trung tâm thương mại lớn nếu bạn có nhu cầu mua sắm. Phòng vô cùng rộng rãi (25 mét vuông) cùng nhiều trang thiết bị tiện nghi, sang trọng và hiện đại.

du lịch Praha

Âm nhạc tại Praha :

Tới Praha nếu không đi thưởng thức một buổi hoà nhạc, cũng giống như tới Maldives mà không tận hưởng những bãi biển cát trắng vậy. Praha luôn là một trong những thủ đô âm nhạc lớn của châu Âu, đi trước thời đại, thu hút và đỡ đầu nhiều tài năng lớn. Chính thành phố này là nơi tài năng của Mozart được công nhận một cách xứng đáng nhất, ông cho công diễn hai vở opera “Đám cưới của Figaro” và “Don Giovanni” của mình tại Praha chứ không phải ở Wien. Nếu bạn hứng thú, ta có thể đi nghe một buổi hoà nhạc hay opera tại một trong những nhà hát lớn nhất thành phố với giá phải chăng (từ 300 Kč – 1000 Kč). Vé có thể mua online qua trang web www.narodni-divadlo.cz.

  • Via Musica Staroměstské náměstí 14/604, 110 00 Praha 1 +420 224 826 440. Website. Ngoài những nhà hát lớn, mỗi buổi chiều, gần như mọi nhà thờ, thư viện, cung điện trong thành phố đều có công diễn nhạc giao hưởng. Vé có thể mua tại quầy của Via Musica, nằm ở ngay lối vào của nhà thờ Đức bà Tyn trên quảng trường “Staroměstské náměstí”. Nhân viên phục vụ tư vấn rất nhiệt tình, và giá vé bán ra là giá gốc.
  • Reduta Jazz Club Národní třída 20, 110 00 Praha 1 +420 224 933 487. Website. Ngoài nhạc thính phóng, ở Praha còn có nhiều câu lạc bộ nhạc jazz nghe rất được. Có tiếng hơn cả có lẽ là Reduta Jazz Club. Nằm ngay dưới tầng hầm của quán Cafe Louvre, đây là một trong những nơi hiếm hoi kinh doanh độc lập, lại chơi jazz dưới thời cộng sản. Tổng thống Bill Clinton đã từng tới đây chơi saxophone, cũng như Tổng thống Cộng hoà Séc Václav Havel chọn dẫn ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới nghe khi bà về thăm Praha. Chương trình thay đổi hàng đêm, với mọi trường phái jazz : dixieland, free, big band, blues… Giá vé vào cửa cho một đêm nhạc là 200 Kč cho ngày thường, 300 Kč cho những tối cuối tuần, trừ những đêm diễn đặc biệt.

du lịch Praha
 

 

 

About the author: Trần Việt Dũng

 

V I V U E R - H A N O I A N in L Y O N

Facebook-Icon