“Budapest is a prime site for dreams: the East’s exuberant vision of the West, the West’s uneasy hallucination of the East. It is a dreamed-up city; a city invented out of other cities, out of Paris by way of Vienna.”
“Budapest là mảnh đất dành cho những giấc mơ: đó là cái nhìn hào nhoáng của phương Đông về phương Tây, là ảo mộng của phương Tây về phương Đông… một thành phố được tạo ra từ Paris bằng những viên gạch của Vienna.”
– M. John Harrison –
Mục lục
Sông Danube như một dải lụa xanh nối châu Âu từ Tây sang Đông. Lấy nguồn từ hai dòng suối Brigach và Breg, rồi hợp nhất giữa dãy Rừng Đen miền Nam nước Đức, chảy qua 10 quốc gia, 4 thủ đô, trước đi đổ ra biển nơi miền biên thuỳ giữa Rumani và Ukraina.
Trên dải lụa xanh đó, Budapest như viên ngọc rực rỡ nhất. Cố đô của Đế quốc Áo-Hung luôn được ví như trái tim giữa lòng châu Âu, viên ngọc của dòng Danube. Dường như chẳng nơi nào dọc sông Danube đẹp và lãng mạn như ở Budapest. Thành phố nằm ở khúc nơi sông Danube đổi dòng từ hướng Đông – Tây sang hướng Bắc Nam. Dòng sông trữ tình và đồng điệu đến nghẹt thở với thành phố di sản này.
Budapest, một trong hai cố đô của Đế chế Áo-Hung hùng mạnh, vẫn giữ được những công trình của thời hoàng kim của nó. Budapest cũng là thành phố hai trong một, tuy một mà là hai. Phải đến năm 1873, hai thành phố hai bên bờ sông, Buda ở bên bờ Tây, và Pest ở bên bờ phía Đông, mới hợp nhất làm một để thành Budapest. Giữa hai bên bờ luôn có sự đối lập , đối nghịch, phản chiếu. Buda được xây dựng trên những đồi cao, đất của Sơn Tinh chăng, nhìn xuống Pest bên địa hình bằng phẳng, nơi Thuỷ Tinh ngụ. Buda, nơi có hoàng cung của vua Áo và những dinh thự của giới quý tộc, đối lập với Pest của giới tư sản, và toà nhà Quốc hội của dân Hungary. Cái gì Buda đã đẹp, thì Pest cũng phải xây dựng cái to đẹp hơn.

Toà nhà Quốc hội Hungary – Ảnh: Nguyễn Phương Hà
Nếu là một cung hoàng đạo, Budapest là cung Song Tử chăng, thành phố là mảnh ghép của hai thực thể, mang hai bộ mặt với những tính cách như đối lập, nhưng phải có nhau mới tạo nên một thể hài hoà, không thiếu sót. Cả hai đều là những tuyệt phẩm nghệ thuật, nhưng cũng vừa là những giá đỡ cho nhau. Chẳng ở đâu ngắm nhìn Buda đẹp hơn là từ bên bờ Pest. Và ngược lai, chẳng ở đâu ngắm nhìn Pest đẹp hơn từ bên đồi của lâu đài Buda (“Várhegy”).
Budapest còn được thiên nhiên vô cùng ưu ái. Dưới lòng địa chất của thành phố có hơn 100 nguồn nước khoáng nóng. Thật thiếu sót khi đến du lịch Budapest mà không đến thư giãn trong một trong những nguồn khoáng của thành phố. Những bể bơi nước khoáng nóng về mặt kiến trúc giống như những bảo tàng hơn là những nhà tắm công cộng. Vài lời ngắn vụng về khó có thể tả hết được về cái đẹp và diệu kỳ về thành phố, chỉ bằng bạn hãy đến, hãy đi, khám phá và cảm nhận theo cách của bạn.

Hoàng cung Budavári Palota
Hành trình tham quan Budapest
Ngày thứ nhất : Pest – những Ruin Pub quanh khu Do thái và khu Erzsébetváros
Chúng tôi đến Budapest từ tối hôm trước. Căn hộ thuê có cửa sổ nhìn ngay ra nhà hát Vígszínház. Có cái thú vị riêng khi ấn tượng đầu tiên về thành phố này, là hình ảnh được ngồi bên cửa sổ thưởng thức một tách trà nóng sau chuyến đi dài, đứng ngắm khách xem hát ùa ra khỏi rạp sau xuất diễn, những cột đèn trang trí lộng lẫy trước rạp vẫn chưa tắt ánh đèn vàng. Thành phố được mệnh danh là « Paris của Đông Âu » này như đúng với câu : « thật là may mắn khi có dịp được sống trong một đô thị đẹp đến nhường này, vì khi đi ra khỏi rạp chiếu bóng, bạn có cảm tưởng bộ phim vẫn tiếp tục ». Chúng tôi cũng vậy, ngồi cạnh bậu cửa sổ mà ngó ra ngoài xem bộ phim quá đỗi hay, đẹp và sinh động về thành phố. Budapest bắt đầu bằng một hình ảnh quá đỗi đẹp như thế.
Có một nghịch lý rất lớn. Là khi đi chơi ta lúc nào cũng muốn thuê hay được ở một nơi thật đẹp. Nhưng chỗ ở đẹp và thoải mái quá lại khiến ta chẳng muốn ra ngoài. Mà như thế lại hoàn toàn trái với tinh thần một chuyến du lịch khám phá. Căn hộ mà cô Marianna và chú Sandor cho chúng tôi thuê nằm trong một toà nhà cổ có lẽ xây dựng ở thời đại hoàng kim của Budapest cuối thế kỷ 19. Nó được chia nhỏ lại từ một căn hộ rất lớn, trong thời Cộng sản chăng, như ở bên ta, mỗi gia đình được phân một phòng trong các căn biệt thự Pháp cổ.

Pháo đài Ngư phủ – Halászbástya
Chúng tôi bắt đầu chuyến du ngoạn Budapest bằng một cuốc tàu điện số 2, tuyến đường mà tạp chí National Geographic bầu chọn trong top 10 những tuyến tàu điện đẹp nhất thế giới; chạy dọc sông Danube từ Bắc xuống Nam bên bờ Pest, từ cầu Margid híd đến cầu Szabadság híd. Chậm rãi trong tiếng tàu điện leng keng, tiếng kít của những bánh xe tại mỗi khúc cua chậm, những công trình nổi bật nhất của thủ đô Hungary đang soi bóng kỳ vĩ xuống dòng Danube dần hiện lên trước mắt. Qua khung cửa kính di động ta ngắm Tòa Quốc hội (“Országház”), rồi bên kia bờ là Pháo đài Ngư phủ (Fisherman’s Bastion – Halászbástya), Cây cầu Xích (“Széchenyi lánchíd”), Hoàng cung Budavári Palota, trước khi xuống tàu tại cây cầu mang tên Tự do Szabadság híd. Nhiều thời gian như chúng tôi chăng, thì băng qua “con rồng sắt sơn xanh” bên bờ Buda, chỗ dưới chân đồi Gellert có khách sạn trứ danh cùng tên, rồi lại đi tàu điện tuyến số 19 theo hướng ngược lại, lần này là dọc theo bờ bên Buda để ngắm Pest.
Sau chuyến du ngoạn bằng tàu điện để phác những nét cơ bản đầu tiên về thành phố, công trình đầu tiên mà chúng tôi thực sự dừng chân tham quan là toà nhà Quốc hội (“Országház”). Có lẽ đây là công trình lộng lẫy nhất, niểm tự hào của mọi người dân Hungary. Trong thời gian là đồng thủ đô của Đế chế Áo Hung, nếu Hoàng cung Budavári Palota biểu hiện cho vương quyền của những vị Hoàng đế Áo nhà Habsburg, thì toà nhà Quốc hội là biểu tượng cho nền dân quyền của dân tộc Hungary. Mọi chi tiết đều như muốn tôn lên điểm đối lập giữa hai biểu tượng, một ở bờ Buda, một bên bờ Pest, như để khẳng định nền độc lập của dân tộc Hungary trước các vị hoàng đế Áo. Nếu như cung điện Budavári Palota xây dựng trên đỉnh đồi Várhegy, ghép thành từ những khối đả tảng ánh xanh hơi lạnh, lừng lững như một khối thống nhất với toàn vùng đồi thành Var, thì Nhà Quốc hội Országház lại xây dựng sát mặt nước Danube, với thứ đá dát nắng vàng rót mật mỗi cuối chiều, cùng mái ngói đỏ theo tông mầu ấm. Có sự cạnh tranh như không chính thức giữa hai biểu tượng. Toà nhà Quốc hội đại diện cho toàn dân Hungary phải to, đẹp và rực rỡ hơn Hoàng cung của các vị Hoàng đế Áo. Cho đến ngày nay, đây vẫn là toà nhà lớn nhất Hungary và cao nhất Budapest.

Toà nhà Quốc hội Hungary – Országház
Suốt sáng đã đi dọc ngược xuôi hai bên bờ Danube, bây giờ hành trình chúng tôi chọn đi sâu trong lòng Pest hơn một tẹo. Từ nhà Quốc hội, bước mấy bước chân thôi sẽ đến Quảng trường Tự do – Szabadsár tèr. Giữa quảng trường còn vết tích của thời kỳ Cộng sản, một đài tưởng niệm các Chiến sĩ Hồng quân, được bao quan bốn bên bởi những toà nhà kiềm diễm nhất khu Lipótvaros. Các công trình nổi bật nhất phải kể đến Toà nhà vốn là Thị trường chứng khoán cũ của Budapest, cũng như Ngân hàng Quốc gia Hungary- Magyar Nemzeti Bank, hay sang con phố Hold utca ngay cạnh để chiêm ngưỡng toà nhà trước đây là Quỹ tin dụng của Ngành Bưu chính Hoàng gia của Đế chế – Postatakarékpénztár
Băng qua quảng trường và rảo bộ thêm một con phố sẽ đến Đại thánh đường Szent István – nhà thờ chính toà, cũng là ngôi nhà của Đức chúa lớn nhất Budapest. Trong suốt nhiều thế kỷ, Budapest là thành phố lớn cuối cùng của nền văn minh Công giáo châu Âu ngay sát miền biên thuỳ với Đế quốc Ottoman Hồi giáo. Người dân Hungary nói chung là những người vô cùng sùng đạo, họ dùng tôn giáo như sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đại thánh đường Szent István mang tên vị vua đầu tiên, người sáng lập ra nhà nước Hung-Gia-Lợi, sau được phong thánh. Đây là công trình tôn giáo lớn và đẹp nhất thủ đô Budapest, hai tháp chuông và mái vòm của Đại thánh đường có cùng chiều cao với toà nhà Quốc hội. Có một sân thượng chạy quanh mái vòm nhà thờ là nơi ngắm Pest đẹp nhất từ trên cao. Đi thang máy (giá vé 500 Ft mỗi lượt) giúp bạn tiết kiệm được công sức leo 302 bậc thang lên đến đỉnh tháp.

Đại thánh đường Szent István
Leo lên rồi lại leo xuống ngọn tháp cao gần trăm mét (tuy phần lớn hành trình là dùng thang máy ) nhưng tôi vẫn thấy xứng đáng tự thưởng cho mình một cây kem xếp hình hoa hồng của tiệm Gelarto Rosa ngay kế bên. Từ đó là gần tới Quảng trường Erzsébet tér rồi, nơi bắt đầu của Đại lộ Andrássy, con đường với lối kiến trúc kiều diễm khiến ta liên tưởng Budapest như thành Paris ở Trung Âu đã được công nhận di sản văn hoá UNESCO từ năm 2002. Đây cũng là trục chính nối khu trung tâm tới Quảng trường Anh hùng (“Hősök Tere”) và Công viên Thành phố (“Városliget”).
Chạy dọc đại lộ Andrassy dưới lòng đất cũng là một di sản văn hoá UNESCO khác, tuyến tàu điện ngầm số 1, sơn vàng với những băng ghế nhung đã sờn nỉ, còn có tên gọi khác là tuyến tàu điện ngầm Thiên niên kỷ – (“Millenniumi Földalatti Vasút”). Công trình được khánh thành năm 1896, vào dịp kỷ niệm 1000 năm ngày thành lập nước Hungary. Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của châu Âu lục địa, niềm kiêu hãnh về sự tiến bộ của xã hội Hung-Gia-Lợi đương thời.
Sáng nay, chúng tôi chỉ khám phá một phần non nửa của con đường, qua nhà hát Opera rồi dừng ở Quảng trường mang tên nhà soạn nhạc tài ba Liszt Ferenc tér. Quảng trường rất đẹp rợp dưới bóng những hàng cây tiêu huyền, tiếc rằng đã bị sẻ khúc cho hàng loạt nhà hàng dọc phố.

Cầu Xích (“Széchenyi lánchíd”) – Ảnh: Nguyễn Phương Hà
Buổi chiều chúng tôi chỉ tản bộ trong phạm vi trước kia là nơi cư ngụ của cộng đồng người Do thái quanh khu Erzsébetváros. Một hình ảnh đối nghịch hoàn toàn với Budapest buổi sáng của sự kiều diễm, vĩ đại và hoành tráng. Buổi chiều là một Budapest mang những giá trị của sự vượt khó, sáng tạo tột cùng trong khó khăn. Ước tính giữa hai cuộc Thế chiến, cộng đồng người Do thái tại Budapest khoảng 200.000 người, chiếm 1/3 dân số toàn thành phố, và có 125 giáo đường Do thái hoạt động. Giáo đường Nagy Zsinagóga trên phố Dohany là ngôi đền Do thái lớn nhất và rực rỡ nhất châu Âu. Đa số họ đã bị diệt chủng bởi chủ nghĩa Phát xít trong Thế chiến thứ hai, ước tính đã có 600.000 người Do thái Hungary mất mạng. Tài sản bị tịch biên, trước khi bị đầy đi các trại tập trung diệt trủng, họ bị biệt lập trong khu biệt cư ngăn cách với phần còn lại của thành phố bởi một bức tường. Một phần của bức tường và một ngôi nhà trong khu biệt cư, gần như đổ nát chỉ còn những bức tường trơ gạch trần, để ta hình dung lại về cuộc sống của người Do thái trong thời kỳ đen tối đó còn được giữ lại ở số 15 phố Király utca.
- Bức tường khu biệt cư (“ghetto”) Do thái Király utca 15, 1075 Budapest.
bến Deák Ferenc tér.

Đại thánh đường Szent István
Chiến tranh rồi hơn nửa Thế kỷ Cộng sản đã khiến nhiều dinh thự xưa (sau 50 năm bị chia thành những khu nhà tập thể hay công xưởng) chỉ còn là những đống đổ nát khi Budapest bước sang Thiên niên kỷ mới. Nhưng cũng chính trong những ngôi nhà đổ nát đó là chất liệu hồi sinh một Budapest mới, của nghệ thuật, sáng tạo tột cùng trong việc tái sử dụng những giá trị cũ. Khu vực nổi tiếng bởi những những quán bar “Ruin pubs”. Dịch nôm na là những quan bar trong những ngôi nhà hoang tàn đổ nát, với lối trang tí độc nhất và không khí nghệ thuật không lẫn đâu được.
Với những bạn trẻ, hoặc như tôi, chỉ còn hơi trẻ, không thể nào bỏ lỡ ghé qua tối thiểu một quán “Ruin pub” tại Budapest. “Ruin pub” – có thể dịch nôm na là những quan bar trong những ngôi nhà hoang tàn đổ nát, với lối trang tí độc nhất và không khí nghệ thuật không lẫn đâu được. Sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ, khu vực tương ứng với khu Do thái cũ gồm nhiều toà nhà và nhà máy bị bỏ hoang. Một nhóm các bạn trẻ đã làm sống lại những không gian này bằng một công thức đơn giản, biến nó thành những quán bar, với lối bài trí bằng những vật dụng tái chế, biến tấu lại từ những vật dụng của thập niên trước thời bao cấp. Nó cũng đồng thời là những không gian trình diễn nghệ thuật đường phố “street art” và đương đại. Buổi tối, các concert nhạc mini hay những buổi chiếu phim thường được tổ chức. Những khoảng sân hay không gian mở trong những không gian này thành những quán bia vườn vào mùa hè, những phiên chợ trời cho mọi người trao đổi hàng hoá vào các sáng cuối tuần. Một ý tưởng khá giống với không gian Zone 9 đã được tổ chức tại Hà Nội vaì năm trước. Quán đầu tiên được mở là “Szimpla Kert” tại địa chỉ Kazinczy utca 14 vào năm 2004. Sau đó có rất nhiều quán khác được mở ở các địa điểm gần cạnh. Hiện nay ước tính trong khu vực quận VII có khoảng hơn 15 quán “Ruin pubs”. Nổi nhất có thể kể đến:
- Szimpla Kert Kazinczy utca 14, 1075 Budapest +36 20 261 8669 Website Tripadvisor. Quán “Ruin pub” tiên phong của thành phố, đồng thời là một trong những quán có mở buổi trưa và buổi chiều. Giờ mở cửa hàng ngày từ trưa đến 4h sáng ngày hôm sau.
- Anker’t Paulay Ede utca 33, Budapest 1061 +36 30 360 3389 Tripadvisor. Một trong những quán có không gian mở lớn nhất thành phố, thực sự dễ chịu vào mỗi đêm hè. Quán mở cửa hàng ngày tầm từ 6h tối đến mờ sáng ngày hôm sau.
- Ellátó Kert Kazinczy utca 48, 1075 Budapest +36 20 527 3018 Tripadvisor. Một quán khác trên phố Kazinczy, mở cửa từ 5 giờ chiều đến tầm hai giờ sáng và đóng cửa ngày chủ nhật.
- Fogas Ház Akácfa utca 51, 1072 Budapest +36 1 783 8820 Website Tripadvisor. Mở cửa hàng ngày từ 7h tối đến mờ sáng ngày hôm sau.
- Instant Akácfa utca 49-51, 1073 Budapest +36 70 638 5040 Website Tripadvisor. Quán chung tường với Fogas Ház. Mở cửa hàng ngày từ tầm 4h chiều đến mờ sáng ngày hôm sau.
- Grandio Nagy Diófa utca 8, 1072 Budapest +36 70 670 0390. Đây đồng thời là một hostel, có lẽ chính vì vậy mà Grandio là một trong những quán “ruin pubs” hiếm hoi mở cửa từ buổi sáng, và đóng cửa lúc 12 h đêm. Nếu bạn không phải là dân chuyên đi party cú đêm thì đây là một địa chỉ khám phá một “ruin pubs” trong những khung giờ khá “vừa sức”. Quán còn phục vụ đồ ăn sáng.
- Kuplung Király utca 46, 1061 Budapest +36 30 755 3527 Tripadvisor. Một trong những địa chỉ cho giới sinh hoạt nghệ thuật underground sôi động và quan trọng nhất ở Budapest, mở cửa hàng ngày từ 3h chiều đến sáng ngày hôm sau.
- Kőleves Kert Kazinczy utca 37-41, 1075 Budapest +36 20 213 5999 Website Tripadvisor. Một địa chỉ khác mở cửa xuyên suốt từ 8h sáng đến 12h đêm. Khu vườn nhiều màu sắc của quán là một trong những điểm hấp dẫn nhất mỗi chiều mùa hè Budapest.

Trang trí trong một quán Ruin pub – Ảnh: László Balkányi/We Love Budapest
Chúng tôi tận hưởng nốt cái không khí của một buổi chiều nắng thoáng nhẹ đầu thu, nốt mấy tuần cuối trước khi những cơn gió đầu mùa tràn về trong khu vườn đầy màu sắc của quán Kőleves Kert trên phố Kazinczy utca. Kết thúc ngày đầu tiên, chúng tôi đi bộ ra Đại giáo đường Nagy Zsinagóga trên phố Dohany trước khi quay lại lang thang buổi tối tại con phố Gozsdu Udvar. Có thể coi đây là trái tim của khu quận 7 Budapest, nhất là về tối. Từ “Udvar” trong tiếng Hungary có nghĩa là “khoảng sân”, đây như một con ngõ nhỏ nối liền khoảng sân trong của 7 toà nhà, thông từ phố Király utca sang phố Dob utca. Trước chiến tranh, trong sân tập trung các xưởng thủ công và cửa hàng buôn bán nhỏ. Từ một thập niên gần đây, con ngõ được hồi sinh khi được tu bổ toàn diện, rồi tập hợp lại được một số những nhà hàng, quán bar, cửa hàng design, concept store, phòng tranh gallery v.v. tiên phong nhất thành phố. Vào mùa hè, mỗi chiều chủ nhật có tổ chức họp chợ bán đổ cổ cũng như đồ thủ công trong sân.

Cầu Xích (“Széchenyi lánchíd”) về đêm – Ảnh: Nguyễn Phương Hà
Ngày thứ nhì : Buda – tắm khoáng – hoàng hôn trên sông Danube
Ngày thứ nhì, hai đứa tôi sang bên Tây để ngắm bên Đông, khám phá thành Budavar bên Buda cổ kính. Nếu như Pest là vùng bình nguyên với những tòa nhà được xây vào cuối Thế kỷ 19 là nơi sinh sống của thị dân, thì Buda là vùng đồi núi với thành lũy và lâu đài – nơi ở của nhiều triều đại Quốc vương Hungary. Những bộ lạc người Hung-Gia-Lợi đầu tiên, sau khi định cư tại địa phận của Budapest ngày nay, đã khai phá bờ tây để tận dụng địa thế đồi núi, dễ phòng thủ, xây dựng những pháo đài đầu tiên bảo vệ đất nước.
Những vết tích của thành Var được xây dựng quanh đồi Várhegy còn rất rõ, những tường thành ở triền đồi phía Tây còn gần như nguyên vẹn, còn mạn phía Đông nhìn xuống sông Danube đã được thay thế bằng những cầu thang đá len lỏi trong những khu vườn thượng uyển.
Đồi Várhegy được chia làm hai phần khá rõ rệt. Phía Nam là Hoàng cung Budavári Palota, còn phía Bắc là những đại lộ với các dinh thự tuyệt đẹp theo lối kiến trúc Phục hung và Baroque, nơi ở của giới quý tộc xưa xây quanh hai công trình nổi bật nhất là Pháo đài Ngư phủ cùng Nhà thờ Matthias.

Có rất nhiều cách thú vị để từ bờ Đông sang bờ Tây rồi leo lên đỉnh đồi Várhegy ngắm toàn thành phố : Làm như đa phần khách du lịch, đi bộ qua Cầu Xích, vốn luôn được ngợi ca là một trong những cầu đẹp nhất châu Âu, biểu tượng không thể thiếu của cảnh quan bên đôi bờ Danube.Từ chân cầu bên bờ Pest, có tuyến xe lửa leo núi – Budapest Castle Hill Funicular (“Budavári Sikló”) đưa du khách lên đến cổng Lâu đài Budavári Palota. Với những ai không muốn đi tàu Siklo vốn phải mua vé riêng, hay rơi vào một ngày như chúng tôi tàu dừng hoạt động để bảo dưỡng thì còn có rất nhiều cách khác để lên đỉnh đồi. Có rất nhiều thang bộ cũng như thang máy từ khu vườn của Lâu đài (“Várbazár”) hay dưới chân Pháo đài Ngư phủ dẫn mọi người lên đồi. Hoặc như chúng tôi, đi phương tiện công cộng tới quảng trường Széll Kálmán tér, đây là bến tàu điện ngầm có thể dễ dàng nhất đi bộ vào thành Var. Như những người cư dân Budapest thuở lập ấp, từ đó đi bộ vào thành qua cổng thành Viên – Bécsi kapu, rồi men theo phố Táncsics Mihály utca, khám phá toàn Buda từ Bắc xuôi Nam.
- Cách nhiều người biết đến nhất là bắt tuyến xe lửa leo núi – Budapest Castle Hill Funicular (“Budavári Sikló”) với cabin bằng gỗ đưa du khách từ chân Cầu Xích lên đến cổng Lâu đài Budavári Palota. Giá vé cho người lớn là 1200 Ft vé một chiều/ 1800 Ft giá hai chiều. Cho trẻ nhỏ em dưới 15 tuổi là 700 Ft vé một lượt và 1100 Ft giá hai chiều (Giá năm 2017)
- Nếu bạn không muốn đi tàu Sikló, hay rơi vào ngày tàu dừng hoạt động để bảo dưỡng, có rất nhiều thang bộ cũng như thang máy từ khu vườn của Lâu đài (Várbazár) hay dưới chân Pháo đài Ngư phủ (Fisherman’s Bastion – Halászbástya) dẫn mọi người lên đồi.
- Nếu muốn đi tàu điện ngầm, thì có thể đến bến
Széll Kálmán tér, đây là bến tàu điện ngầm có thể dễ dàng nhất đi bộ vào thành Var. Như những người cư dân Budapest thuở lập ấp, từ đây có thể đi bộ vào thành qua lối cổng thành Viên – Bécsi kapu, rồi men theo phố Táncsics Mihály utca, khám phá toàn Buda từ Bắc xuôi Nam.
- Khi du lịch cùng người lớn tuổi hay trẻ nhỏ , nếu không tiện leo bộ lên lâu đài, mọi người có thể bắt tuyến tàu bus số #16
từ bến Deák Ferenc tér bên bờ Pest, nối với
bến Széll Kálmán tér bên Buda. Tuyến bus có đi qua tất cả các điểm du lịch trên đồi Várhegy.

Pháo đài Ngư phủ và Nhà thờ Matthias chụp từ Pest.
Như đã viết ở trên, những điểm du lịch chính trên đồi gồm Lâu đài Buda (Budavári Palota, ở đầu phía Nam của thành Vár) là khu di tích lịch sử lâu đài và cung điện của các triều đại vua Hungary ở Budapest. Nằm ở cổng Bắc Lâu đài là Phủ Tổng thống Hungary – Cung điện Sándor. Mạn Bắc của đồi gồm Nhà thờ Matthias – Mátyás-templom, nhà thờ Hoàng gia nơi làm lễ đăng quang của các vị vua Hung-Gia-Lợi. Và ngay cạnh là Pháo đài Ngư phủ (“Fisherman’s Bastion – Halászbástya”) – một trong bảy kỳ quan kiến trúc Hungary. Tòa thành di sản này có mặt tiền dài 140 mét và hướng về dòng Danube, với bảy ngọn tháp trắng tượng trưng cho 7 bộ lạc Magyar thời kỳ lập nước tại vùng lòng chảo Carthapian. Tên của tòa thành được lấy theo phường hội những ngư dân đã gìn giữ, bảo vệ cho thành lũy của Buda thời Trung Cổ.
Pháo đài Ngư phủ (Fisherman’s Bastion – Halászbástya), Website, cho phép tham quan tự do. Họ chỉ bán vé nếu bạn muốn lên tầng hai của Pháo đài. Giá vé là 800 Ft, nhưng thực sự không cần thiết vì góc chụp không khác gì nhiều phần không thu vé.
Xong xuôi hết nửa ngày trên đồi thì đã đến lúc đói meo. Chẳng ở đâu ăn món súp cá đặc sản trứ danh của Buda ngon hơn ngay trên đất của Hội phường ngư dân cũ, tại những nhà hàng sát sông Danube nằm trên con phố mang tên Halász utca (từ “Halász” trong tiếng Hungary nghĩa là những người đánh cá) ngay dưới chân Pháo đài Ngư phủ. Những món chế biến cá nước ngọt, nhất là món Halászlé (súp cá) ở nhà hàng Horgásztanya trên phố Halász là món ngon nhất được ăn trong những ngày tôi ở Budapest. Mỗi ngư dân đều có cách chế biến hay bí quyết của riêng mình, nhưng yêu cầu tiên quyết phải dùng thứ cá tươi mới đánh lên bờ như cá chép, cá chó, cá rô, cá trê. Người ta nấu nước dùng từ đầu, xương, tim, gan và long mề cá cùng nhiều loại gia vị tạo vị đậm cho súp. Gia vị được bổ sung gồm hỗn hợp ớt, tiêu, hành tây tươi cùng cà chua. Súp được nấu trên ngọn lửa trung bình để giữ hương vị. Tương truyền, muốn ngon, món Halászlé phải được nấu ngay khi thuyền về trên những bãi cát ven sông để đảm bảo độ tươi của cá. Nồi nước được đun trong những chiếc vạc bắc ngay sát bến thuyền. Ngày nay, trong nhà hàng, ta vẫn có thể gọi những vạc súp nhỏ thay vì gọi theo suất. Khi súp chín tới sẽ thêm phi-lê cá. Cá tươi và ngọt thịt, còn vị súp đúng là sự giao thao giữa hai nét văn hoá Á và Âu, không hiểu sao tôi ăn giống như có vị riêu ở mình.
- Horgásztanya Vendéglö Fő utca 27, 1011 Budapest +36 1 212 3780 Website Tripadvisor.

Cung điện Budavári Palota khi lên đèn
Chương trình buổi chiều bọn tôi dành chọn vẹn cho việc đi thư giãn tắm khoáng. Trong vô vàn điểm thăm quan hấp dẫn cũng như những trải nghiệm thú vị mà bạn có thể làm trong thành phố này, có một việc mà không thể bỏ lỡ với bất kỳ lý do nào: đi tắm khoáng. Budapest được thiên nhiên vô cùng ưu ái. Nó như thiên đường hạ giới, dưới lòng địa chất của thành phố có hơn 118 nguồn nước khoáng nóng, nhiệt độ từ 21 đến 78 độ, có tác dụng chữa rất nhiều bệnh.
Ngay từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, người Lã mã đã khai thác những suôí nước khoáng tại Budapest, xây dựng những nguồn tắm công cộng để thư giãn và chữa bệnh. Cái cảm giác được hơi nóng như lan tỏa vào từng ngõ ngách huyết mạch, xua tan hết những mệt mỏi xương cốt, xua tan hết cả những ưu tư cuộc sống mà ngoài đời kia đang hối hả.
Ấn tượng hơn nữa nếu có lẽ được đến tắm khoáng vào mùa đông. Tuyết rơi kín trời, nhưng nhưng bể tắm khoáng ngoài trời vẫn nghi ngút khói, và đám khách quen vẫn điềm nhiên ngâm mình chơi cùng nhau một ván cờ.
Hàng ngày, tại Budapest, 70 triệu lít nước khoáng lấy từ những nguồn tự nhiên đủ để đáp ứng cho hơn 20 bể tắm của toàn thành phố, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến bể tắm Gellért nằm ngay tại khách sạn cùng tên, một khách sạn được coi là vương giả sang trọng bậc nhất khi đến du lịch Budapest. Khách sạn Gellért mở cửa năm 1918, đa phần khách đến bể tắm ở khách sạn phải thốt lên: “Như tôi đang bước chân vào một bảo tàng hay một nhà thờ chứ không phải đang đi tắm”. Kiến trúc nội thất của tòa lâu đài vẫn được giữ gìn nguyên thủy với những họa tiết mosaics sặc sỡ, những cây cột đá hoa cương khổng lồ, những bức tượng lớn bên cạnh lối đi và ở các bể tắm.
Ngang tầm với Gellért ở bên Pest là bể tắm Széchenyi; nó giống một lâu đài màu vàng đất theo lối kiến trúc neobaroque hơn là một bể tắm khoáng, và hình ảnh những người đánh cờ ngâm mình cả đông hay hè trong bể đã thành một hình ảnh biểu tượng của thành phố.
Ngoài bộ đôi huyền thoại kể trên, cá nhân tôi thấy view không thể đẹp hơn để tắm khoáng khi du lịch Budapest là ở bể tắm Rudas Baths. Rudas Baths như hai phần tách biệt nhau được gộp lại. Một khu được xây dựng từ thế kỷ 16 dưới thời đế chế Ottomane. Phần còn lại mới được trùng tu xong siêu hiện đại với một khu sân thượng roof-top bao quát thẳng ra sông Danube với một bể sục ở cuối sân. Ngâm mình ngoài trời khi đang âm độ, mở ra trước mắt mình phía bên kia là toàn cảnh Pest, mình như ngay bên bờ sông Danube với các đoàn tàu điện vàng chạy ngược xuôi, dưới chân đồi Gellert, và cây cầu Tự do Szabadság híd đằng xa. Không ngạc nhiên khi nó luônlà điểm check-in ưu thích của các bạn KOL đình đàm.

Széchenyi Baths
- Széchenyi Baths Állatkerti korut 9-11, 1046 Budapest +36 1 363 3210 Website,
bến Széchenyi fürdő. Bể mở cửa hàng ngày từ 6h sáng đến 22h đêm. Vé vào cửa là 9400 Ft/ người nếu muốn có cabin thay đồ riêng. Ngày cuối tuần, mỗi loại vé đắt thêm 1500 Ft (giá năm 2023).
- Gellért Baths Kelenhegyi út 4, 1118 Budapest +36 1 466 6166 Website,
bến Szent Gellért tér. Bể mở cửa hàng ngày từ 6h sáng đến 20h tối. Vé vào cửa là 9400 Ft/ người nếu muốn có cabin thay đồ riêng. Ngày cuối tuần, mỗi loại vé đắt thêm 1500 Ft (giá năm 2023).
- Rudas Baths Döbrentei tér 9, 1013 Budapest +36 20 321 4568 Website,
bến Rudas Gyógyfürdőr. Bể mở cửa hàng ngày từ 6h sáng đến 20h tối. Vé vào cửa là 8600 Ft/ người vào ngày trong tuần. Ngày cuối tuần, vé giá 12 200 Ft (giá năm 2023). Vào các ngày trong tuần, vì bể tắm có hai khu riêng, khu bể Ottomane và khu bể hiện đại, có thể mua vé riêng vào từng khu với giá 5 900 Ft. Riêng khu bể Ottomane dành riêng cho nam hoặc nữ vào các ngày trong tuần, ngày thứ ba cho nữ, và các ngày 2-4-5-6 riêng cho nam. Vào hai buổi tối thứ 6 và 7, bể cũng tổ chức hai ngày mở cửa đêm từ 22h đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Giá vé cho các buổi tắm đêm là 12 600 Ft.
- Nếu đi đoàn đông người, chỉ cần một người mua vé có cabin thay đồ riêng. Sau đó cả đoàn có thể thay nhau dùng cabin này.
- Nên chuẩn bị, mang theo đồ tắm của mình. Mọi thứ đều có thể thuê được tại chỗ, nhưng giá khá đắt so với giá cả ở Hungary:
- Khăn tắm : 6000 Ft.
- Áo choàng tắm : 12000 Ft.
- Áo tắm : 6000 Ft.
- Mũ bơi : 2000 Ft.

Széchenyi Baths
Hơi tiếc rằng chúng tôi phải rời bể tắm hơi sớm để kịp bắt chuyến tàu thuỷ chạy dọc sông Danube khi trời chạng vạng chớm hoàng hôn. Nếu có cái may mắn được ngắm bờ sông Danube khi thành phố lên đèn, từ ngữ của mình trở nên quá nghèo nàn để lột tả hết vẻ tuyệt điệu của Budapest. Toà nhà quốc hội rực sáng, như đang vẽ những mảnh trăng lên mặt sóng. Và cái kết đinh là được mang theo vài chai, leo lên những nhịp thép của cây cầu Tự do – Szabadság híd, nơi hẹn hò lãng mạn nhất thành phố và cùng nhau ngắm màn đêm Budapest. Những cây cầy và công trình sáng rực soi bóng xuống dòng Danube.
Để đi du thuyền trên sông Budapest, không nhất thiết phải mua vé của các hãng du thyền (vé khoảng 3500 Ft – giá năm 2017). Nên dùng phương tiện công cộng, đi hai tàu do hãng BKV quản lý. Giá vé chỉ có 750 Ft/1 lượt cho người lớn, và 550 Ft cho trẻ dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nếu bạn đã mua vé ngày của hãng BKV thì không cần trả thêm phí nào cả. Tàu tuy không mới những rất lịch sự, và đi qua tất cả cung đường của các tàu du lịch. Hành trình đẹp nhất nằm giữa
bến Batthyány tér (đối diện toà nhà Quốc hội) và
bến Szent Gellért tér (ngay dưới chân khách sạn Gellért). Thời điểm đẹp nhất đi thuyền theo tôi là khi chạng vạng rồi đón hoàng hôn trên thuyền.

Trên cầu Tự do – Szabadság híd
Sáng ngày cuối cùng : Chợ trung tâm Nagy Vásárcsarnok
Chỉ còn một sáng cuối cùng tại Budapest trước khi lấy chuyến bay trưa về nhà. Sáng nay mục tiêu cuối cùng chỉ là đi chợ trung tâm. Vẫn là ngồi chuyến tàu điện số 2 từ nhà ra đến chợ, không biết bao lần tôi phải xuống tàu để chia tay nốt bao địa điểm của thành phố. Chẳng có nơi nào thú vị hơn để quan sát cuộc sống thường nhật của một thành phố, thử tìm hiểu về phong tục và sản vật địa phường hơn là việc đi một phiên chợ cổ lúc sáng sớm. Chợ Trung tâm (“Nagy Vásárcsarnok”) là một nơi nhứ thế. Khu chợ có kiến trúc cổ kính tráng lệ đặc trưng của châu Âu cuối thế kỷ 19 với hai vật liệu chủ tông là sắt và kính. Những sản vật Hung-Gia-Lợi trứ danh nhất đều có bán. Tôi ấn tượng nhất với những quầy có bán ớt làm paprika chắc từ vùng Szeged. Cả một bữa tiệc cho các giác quan về màu sắc và vị giác.
- Chợ Trung tâm (“Nagy Vásárcsarnok”) Vámház korut 1-3, 1093 Budapest +36 1 366 3300,
bến Fővám tér. Chợ mở cửa các ngày trong tuần từ 6h sáng đến 6h chiều, thứ 7 đóng cửa lúc 3h chiều, chủ nhật đóng cửa cả ngày.

Một quầy hàng chợ Trung tâm Nagy Vásárcsarnok – Ảnh: Nguyễn Phương Hà
Điều đáng tiếc trong chuyến đi này là dành quá ít thời gian cho Budapest. Thành phố có quá nhiều thứ để trải nghiệm. Ba ngày du lịch Budapest thực sự chưa đủ, có quá nhiều thứ tôi muốn dành nhiều thời gian chậm rãi tận hưởng hơn, quá nhiều khoảng khắc phải vội vàng đi tới điểm khác. Nhưng thôi, lưu luyến khi chia ly để quyết tâm có ngày gặp lại…
Những điều mà lần này chúng tôi chưa kịp làm trong chuyến đi lần này:
- Lên đồi Gellért cùng pháo đài Citadella để ngắm về thành phố.
- Tham quan Quảng trường Anh hùng (“Hősök Tere”) và Công viên Thành phố (“Városliget”).
- Dành nhiều thời gian hơn nữa cho các Ruin pubs, phải có một lần chơi đến mờ sáng hay tối thiểu giữa đêm.

Cầu Tự do chụp từ đồi Gellért – Ảnh: Nguyễn Phương Hà
Đổi tiền tại Budapest
Lưu ý là Hungary chưa dùng tiền euro (€) mà dùng đồng Forint (viết tắt là Ft hay HUF). 100 € đổi được ~ 30000 Ft (thời điểm tháng 10/2016). Nếu rút tiền qua máy ATM, tỉ giá quy đổi thường vào khoảng 100€ ~ 27000 Ft, còn nếu đổi ở sân bay, thường chỉ được 100€ ~ 24000 Ft. Nếu bạn không kịp đổi tiền trước khi đi, thì chỉ nên rút một ít tiền ở sân bay đủ để đi về trung tâm thành phố. Trong khu trung tâm có rất nhiều quầy đổi tiền nhưng tỉ giá cũng như phí dịch vụ chênh lệch nhau rất nhiều. Chúng tôi được cô chủ nhà chỉ cho hệ thống đổi Correct Change, tỷ giá tốt được niêm yết trên website của công ty (www.correctchange.hu), phí dịch vụ thấp được cố định ở mức 0.3%. Dưới đây là hay địa địa chỉ của hệ thống tướng đối gần trung tâm và các địa điểm du lịch.
- Correct Change Bp. Szent István Szent István körút 23, 1055 Budapest +36 1 302 3863. Nằm gần nhà ga Nuygati. Mở cửa các ngày trong tuần từ 9h sáng đến 18h tối và sáng thứ 7. Tiệm đóng cửa ngày chủ nhật.
- Correct Change Bp. Erzsébet körút Erzsébet körút 41, 1073 Budapest +36 1 413 0780. Nằm ở gần quảng trường Oktogon. Mở cửa các ngày trong tuần từ 8h sáng đến 19h tối. Thứ 7 cửa hàng đóng cửa sớm hơn lúc 5h chiều. Tiệm đóng cửa ngày chủ nhật.
Ngay cả với những người chỉn chu và kỹ tính nhất, với những dịch vụ truyền thống, vẫn chưa có phương án tối ưu cho một vấn đề thường gặp khi lên đường, đó là việc đổi ngoại tệ. Nếu không bận tâm gì nhiều thì tiện nhất là cứ quẹt thẻ, hay dùng thẻ ra ATM rút tiền bản địa khi tới nơi. Tuỳ vào loại thẻ và loại hợp đồng mà bạn đã kí, mà bạn sẽ có tỉ giá tốt hay không, cùng kèm các phí dịch vụ nhiều hay ít đi kèm. Nếu cầm theo tiền mặt, rồi hơi để ý và mất công tìm những chỗ đổi tiền có tỉ giá tốt nhất để đổi, thì vẫn chưa chắc đã là tiết kiệm nhất, vì nếu đổi thừa tiền, nhất là với những đồng tiền không phổ biến, thì cũng thành vật kỷ niệm mang về nhà mà thôi.
Thẻ tín dụng Revolut ra đời để giải quyết bài toán này. Vậy tóm tắt Revolut là gì, nó là một thẻ tín dụng mà bạn không mất bất cứ phí dịch vụ đổi tiền nào, và tỉ giá mà Revolut đổi cho bạn luôn là tỉ giá tốt nhất.
Tại sao tỉ giá Revolut đảm bảo cho bạn là tỉ giá tốt nhất. Vì tỉ giá mà hãng dùng là tỉ giá liên ngân hàng. Giải thích đơn giản, tỉ giá liên ngân hàng là tỉ giá giữa các ngân hàng dùng để mua bán ngoại tệ với nhau. Bạn Google ra tỉ giá nào thì đấy là tỉ giá sẽ được áp dụng cho Revolut, thay đổi theo thời gian thực, biến đổi từng giây khi thị trường mở cửa. Click vào đây để đọc hướng dẫn chi tiết về Revolut.

Pest chụp từ Đại thánh đường Szent István
Kinh nghiệm di chuyển đến Budapest khi du lịch tự túc
- Bằng máy bay : Sân bay chính của thành phố mang tên Budapest Franz Liszt International Airport – “Liszt Ferenc Nemzetközi Repülőtér “ (mã IATA : BUD), nằm cách trung tâm tầm 24 km về phía Đông Nam. Để di chuyển về trung tâm thành phố, có thể đi bằng phương tiện công cộng (bus và metro), mất tầm 700 Ft, hay bắt taxi.
- Bằng phương tiện công cộng : Đi về thành phố rẻ nhất là lấy tuyến bus số 200E, một vé xe bus giá 350 Ft (450 Ft nếu mua trực tiếp từ lái xe – giá năm 2017). – Xe nối sân bay với bến metro Kőbánya-Kispest trên đường
– chạy từ 4h sáng đến 12h đêm.
- Kể từ tháng 07/2017, Trung tâm Giao thông Budapest (BKK) khai thác thêm bus 100E đi thẳng từ sân bay về
bến Deák Ferenc tér. Đây là cách về trung tâm vô cùng tiện lợi vì bến Deák Ferenc tér nằm ngay trung tâm Budapest, là trạm trung chuyển chính, nơi giao nhau của ba tuyến metro. Cứ nửa giờ sẽ có một chuyến, chuyến sớm nhất khởi hành lúc 4h sáng, và chuyến cuối cùng từ sân bay về thành phố là vào hồi 12h30 đêm. Xe sử dụng hệ thống vé riêng, giá 900 Ft người/mỗi lượt.
- Bằng taxi : Hãng taxi chính thức duy nhất được hoạt động trong sân bay là hãng Főtaxi (fotaxi.hu). Mất tầm khoảng 6000-7000 Ft để về được trung tâm thành phố.
Cách chúng tôi đã chọn:Khi chúng tôi tham quan Budapest lần đầu, tuyến bus 100E chưa được khai thác. Chúng tôi đã chọn đi tàu đi bus 200E để về thành phố. Có thể chọn mua vé ngày ngay, còn nếu mua vé lẻ mất 700 Ft (hai vé 350 Ft) cả thảy, một vé cho hành trình bằng bus và một cho hành trình bằng metro. Vì không nhiều hành lý nên nhóm tôi đi phương tiện công cộng cũng không mấy vất vả. Thời gian di chuyển mất khoảng 35 phút.
Các lần đến du lịch Budapest tiếp theo, vì thuê nhà trong khu trung tâm nên bọn mình đều đi xe 100E. Quầy bán vé tự động ở sân bay Budapest chấp nhận cho dùng thẻ tín dụng nên không có vấn đề gì nếu bạn đến nơi mà chưa kịp đổi hay rút tiền mặt.
- Bằng phương tiện công cộng : Đi về thành phố rẻ nhất là lấy tuyến bus số 200E, một vé xe bus giá 350 Ft (450 Ft nếu mua trực tiếp từ lái xe – giá năm 2017). – Xe nối sân bay với bến metro Kőbánya-Kispest trên đường
- Bằng tàu hoả :
Hãng đường sắt quốc gia Hungary mang tên Magyar Államvasutak – MÁV (www.mavcsoport.hu). Budapest có ba nhà ga chính:- Ga “Keleti pályaudvar” nối với bến tàu điện ngầm cùng tên trên đường
. Đa phần các tàu quốc tế từ Tây Âu dừng tại đây.
- Ga “Nyugati pályaudvar” nối với bến Nyugati tér trên đường
.
- Ga “Déli pályaudvar”, nằm cạnh bến tàu điện ngầm cùng tên trên đường
. Có tàu quốc tế đi các nước Balkan như Croatia, Slovenia và Bosnia- Herzegovina.
Có thể tham khảo thời gian di chuyển bằng tàu hoả từ Budapest đi một số điểm đến khác :
- Ga “Keleti pályaudvar” nối với bến tàu điện ngầm cùng tên trên đường
- Bằng xe bus :
Nhà ga xe khách chính của thành phố – “bến Népliget” nằm ở cạnh ga tàu điện ngầm cùng tên trên đường. Ngoài ra, thành phố còn có bến Stadion, nằm sát sân vận động Ferenc Puskás (bến
Puskás Ferenc Stadion).
Có thể tham khảo thời gian di chuyển bằng xe bus từ Budapest đi một số điểm đến khác tại Trung Âu:
- Blablacar : Với hành trình Budapest-Bratislava hay Budapest-Vienna là khoảng cách lý tưởng để dùng dịch vụ ‘đi xe chung’ Blablacar, nhất là nếu bạn mua vé sát ngày hoặc không muốn mua vé sớm. Thời gian đi xe auto va đi tàu không khác xa nhau lắm, có rất nhiều xe chạy trên tuyến đường này. Chúng tôi đi Blablacar từ Wien sang Budapest, đặt xe ba ngày trước khi đi, giá Blablacar cho tuyến đường này trung bình khoảng 15€/người.

Cầu Xích – Széchenyi lánchíd
Kinh nghiệm đi lại khi du lịch Budapest :
Hệ thống giao thông công cộng ở Budapest thuận tiện, an toàn, và rất sạch sẽ. Hệ thống bao gồm 4 tuyến tàu điện ngầm, 30 tuyến tàu điện nổi, bus, và 2 tuyến tàu thuỷ nội đô. Hãng BKK (www.bkk.hu) quản lý hệ thống. Về vé giao thông đi lại có thể chia ra làm nhiều loại chính sau (giá năm 2016) :
- Vé một lượt – giá 350 Ft nếu mua tại quầy, 450 Ft nếu mua trực tiếp với lái xe. Khi đổi xe bus hay tàu điện thì vé hết giá trị. Còn nếu đi tàu điện ngầm thì được phép đổi một lần.
- Tệp 10 vé một lượt giá 3000 Ft.
- Vé 24 giờ, tính từ khi mua vé – giá 1650 Ft. Lưu ý vé 24h chỉ được đi hai tuyến tàu thuỷ
trên sông Danube vào ngày thường.
- Vé 24 giờ cho đoàn tối đa 5 người, tính từ khi mua vé – giá 3300 Ft. Sẽ rất rẻ nếu là ngày thường và các bạn còn dùng để đi thuyền trên sông Danube. Một vẻ lẻ đi thuyền đã là 750 Ft.
- Vé 72 giờ, tính từ khi mua vé – giá 4150 Ft
- Vé 7 ngày, kể từ ngày mua vé – giá 4950 Ft
Trong chuyến đi lần này, để thử nghiệm xem loại vé nào lợi hơn, bọn tôi mỗi người mua một loái vé. Tôi mua vé 72h, còn Diệp mua tệp 10 vé lẻ. Sau ba ngày ở Budapest, Diệp dùng vừa vặn hết 10 vé, cộng với 750 Ft tiền mua vé tàu thuỷ đi trên sông Danube, mua 10 vé lẻ vẫn lợi hơn (3000 Ft + 750 Ft so với 4150 Ft).
Tại Budapest, dùng app BKK Futár để tính toán quãng đường đi cũng như thông báo thời gian chạy xe của các phương tiện công cộng rất thuận tiện và chính xác. App cung cấp theo thời gian thực vị trí của từng xe và theo đó cập nhật giờ tàu xe chạy. Cũng như trên bản đồ chỉ rõ ràng vị trí chính xác các quầy bán vé cũng như giờ mở cửa.

Cầu Tự do – Szabadság híd – Ảnh: Nguyễn Phương Hà
Quán ngon tại Budapest và đặc sản Hungary
Hungary nói chung và Budapest nói riêng có hai món đặc sản chính. Những món chế biến cá nước ngọt, đặc biệt là món Halászlé (súp cá), là bữa ngon nhất trong những ngày tôi ở Budapest. Mỗi ngư dân đều có cách chế biến hay bí quyết của riêng mình, nhưng yêu cầu tiên quyết phải dùng thứ cá tươi mới đánh lên bờ như cá chép, cá chó, cá rô, cá trê. Người ta nấu nước dùng từ đầu, xương, tim, gan và long mề cá cùng nhiều loại gia vị tạo vị đậm cho súp. Gia vị được bổ sung gồm hỗn hợp ớt, tiêu, hành tây tươi cùng cà chua. Súp được nấu trên ngọn lửa trung bình để giữ hương vị. Tương truyền, muốn ngon, món Halászlé phải được nấu ngay khi thuyền về trên những bãi cát ven sông để đảm bảo độ tươi của cá. Nồi nước được đun trong những chiếc vạc bắc ngay sát bến thuyền. Ngày nay, trong nhà hàng, ta vẫn có thể gọi những vạc súp nhỏ thay vì gọi theo suất. Khi súp chín tới sẽ thêm phi-lê cá. Cá tươi và ngọt thịt, còn vị súp đúng là Hungary là sự giao thao giữa văn hoá Á và Âu, không hiểu sao tôi ăn giống như có vị riêu.
Ngoài ra, cũng không nên bỏ lỡ dịp thưởng thức món Gulyás – súp thịt hầm cùng rau củ đi kèm với hương vị rất riêng. Gulyás có thể được nấu với thịt bò, thịt bê, thịt lợn, hoặc thịt cừu. Thịt được xắt miếng quân cờ, ướp muối rồi chiên với dầu hoặc mỡ lợn cùng hành tây thái lát cho đến khi chín vàng, thêm bột ớt paprika trứ danh rồi đun nhỏ lửa. Các gia vị khác tiếp tục được bổ sung thường kèm cà rốt, ớt chuông, cần tây, cà chua với tiêu, nguyệt quế và húng tây.
Gan ngỗng, cừu, lợn hay ngỗng nướng nếu được ăn đúng nơi nữa cũng đều rất tuyệt. Về đồ nguội nổi tiếng có Salami vùng Szeged. Mọi thứ nếu có điều kiện có thể thưởng thức cùng rượu vang vùng Tokaji, thứ rượu mà vua Louis XV của Pháp đã phải ngợi khen rằng: “Đây là vua của các loại rượu và là rượu của các vì vua”…
- Horgásztanya Vendéglö $$$ Fő utca 27, 1011 Budapest +36 1 212 3780 Website Tripadvisor. Chẳng ở đâu ăn món súp cá đặc sản trứ danh của Buda ngon hơn ngay trên đất của Hội phường ngư dân cũ, tại những nhà hàng sát sông Danube nằm trên con phố mang tên Halász utca (từ “Halász” trong tiếng Hungary nghĩa là những người đánh cá) ngay dưới chân Pháo đài Ngư phủ. Nổi tiếng nhất có lẽ là nhà hàng Horgásztanya. Việc được liệt kê trong nhiều sách hướng dẫn du lịch, và là điểm đến của rất nhiều khách thập phường không làm nhà hàng mất chất. Vạc Halászlé (súp cá) ăn tại đây là bữa ngon nhất trong những ngày tôi ở Budapest. Nếu gọi vạc lớn, mỗi người ăn mất khoảng 3500 Ft.
- Kiskakukk $$$$ Pozsonyi út 12, 1137 Budapest +36 1 4500-829 Website Tripadvisor. Địa chỉ mà tôi ưng ý nhất trong chuyến đi lần này. Một không gian sang trọng nhưng không sang chảnh để thưởng thức ẩm thực Hungary. Nhà hàng đã tồn tại hơn một thế kỷ, ra đời vào năm 1913 ngay trước cuộc Đại thế chiến. Giá cả rất hợp lý so với chất lượng đồ ăn và phục vụ. Hai món chúng tôi gọi, đùi cừu nướng hương thảo, cùng ngỗng chiên ròn da đều tuyệt. Không gian đẹp, ấm cúng mà không rườm rà. Mất khoảng 5500 Ft cho mỗi người
- Pick Markaaruhaz $ Kossuth Lajos ter 9, 1055 Budapest Tripadvisor. Trong các nhà sản xuất Salami tại Hungary, có lẽ Pick là hãng nổi tiếng nhất. Họ có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở ngay cạnh Toà nhà Quốc hội, mà khi bước vào, tôi vẫn có cám giác như các cửa hàng mậu dịch thời bao cấp xưa. Trên tầng hai của cửa hàng có tiệm ăn bán đồ snacking nhỏ với giá khá hợp lý. Một menu tầm 900 Ft. Đồ ăn đơn giản và dễ ăn. Địa chỉ hợp lý nếu ta muốn ăn nhẹ nhàng sau một sáng thăm quan Pest.

Đại thánh đường Szent István
Quán kem và các quán “ruin pubs” tại Budapest
- Gelarto Rosa Szent István tér 3, 1051 Budapest +36 70 930 2217 Website Tripadvisor. Tiệm kem Hoa hồng nằm ngay cạnh Đại thánh đường Szent István. Điểm lý tưởng để giải nhiệt trong một ngày hè nóng. Những cây kem ốc quế nhiều vị được xếp hình hoa hồng của tiệm đã thành một thương hiệu tại Budapest. Giá cả phải chăng, tất nhiên là không thể bì được với kem Ý gốc, nhưng chất lượng chấp nhận được.

Kem ở tiệm Gelarto Rosa – Ảnh: Nguyễn Phương Hà
Với những bạn trẻ, hoặc như tôi, chỉ còn hơi trẻ, không thể nào bỏ lỡ ghé qua tối thiểu một quán “Ruin pub” khi du lịch Budapest. “Ruin pub” – có thể dịch nôm na là những quan bar trong những ngôi nhà hoang tàn đổ nát, với lối trang tí độc nhất và không khí nghệ thuật không lẫn đâu được. Sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ, khu vực tương ứng với khu Do thái cũ gồm nhiều toà nhà và nhà máy bị bỏ hoang. Một nhóm các bạn trẻ đã làm sống lại những không gian này bằng một công thức đơn giản, biến nó thành những quán bar, với lối bài trí bằng những vật dụng tái chế, biến tấu lại từ những vật dụng của thập niên trước thời bao cấp. Nó cũng đồng thời là những không gian trình diễn nghệ thuật đường phố “street art” và đương đại. Buổi tối, các concert nhạc mini hay những buổi chiếu phim thường được tổ chức. Những khoảng sân hay không gian mở trong những không gian này thành những quán bia vườn vào mùa hè, những phiên chợ trời cho mọi người trao đổi hàng hoá vào các sáng cuối tuần. Một ý tưởng khá giống với không gian Zone 9 đã được tổ chức tại Hà Nội vaì năm trước. Quán đầu tiên được mở là “Szimpla Kert” tại địa chỉ Kazinczy utca 14 vào năm 2004. Sau đó có rất nhiều quán khác được mở ở các địa điểm gần cạnh. Hiện nay ước tính trong khu vực quận VII có khoảng hơn 15 quán “Ruin pubs”. Nổi nhất có thể kể đến:
- Szimpla Kert Kazinczy utca 14, 1075 Budapest +36 20 261 8669 Website Tripadvisor. Quán “Ruin pub” tiên phong của thành phố, đồng thời là một trong những quán có mở buổi trưa và buổi chiều. Giờ mở cửa hàng ngày từ trưa đến 4h sáng ngày hôm sau.
- Anker’t Paulay Ede utca 33, Budapest 1061 +36 30 360 3389 Tripadvisor. Một trong những quán có không gian mở lớn nhất thành phố, thực sự dễ chịu vào mỗi đêm hè. Quán mở cửa hàng ngày tầm từ 6h tối đến mờ sáng ngày hôm sau.
- Ellátó Kert Kazinczy utca 48, 1075 Budapest +36 20 527 3018 Tripadvisor. Một quán khác trên phố Kazinczy, mở cửa từ 5 giờ chiều đến tầm hai giờ sáng và đóng cửa ngày chủ nhật.
- Fogas Ház Akácfa utca 51, 1072 Budapest +36 1 783 8820 Website Tripadvisor. Mở cửa hàng ngày từ 7h tối đến mờ sáng ngày hôm sau.
- Instant Akácfa utca 49-51, 1073 Budapest +36 70 638 5040 Website Tripadvisor. Quán chung tường với Fogas Ház. Mở cửa hàng ngày từ tầm 4h chiều đến mờ sáng ngày hôm sau.
- Grandio Nagy Diófa utca 8, 1072 Budapest +36 70 670 0390. Đây đồng thời là một hostel, có lẽ chính vì vậy mà Grandio là một trong những quán “ruin pubs” hiếm hoi mở cửa từ buổi sáng, và đóng cửa lúc 12 h đêm. Nếu bạn không phải là dân chuyên đi party cú đêm thì đây là một địa chỉ khám phá một “ruin pubs” trong những khung giờ khá “vừa sức”. Quán còn phục vụ đồ ăn sáng.
- Kuplung Király utca 46, 1061 Budapest +36 30 755 3527 Tripadvisor. Một trong những địa chỉ cho giới sinh hoạt nghệ thuật underground sôi động và quan trọng nhất ở Budapest, mở cửa hàng ngày từ 3h chiều đến sáng ngày hôm sau.
- Kőleves Kert Kazinczy utca 37-41, 1075 Budapest +36 20 213 5999 Website Tripadvisor. Một địa chỉ khác mở cửa xuyên suốt từ 8h sáng đến 12h đêm. Khu vườn nhiều màu sắc của quán là một trong những điểm hấp dẫn nhất mỗi chiều mùa hè Budapest.

Quán Kuplung
Kinh nghiệm đặt phòng tại Budapest
- Pannónia apartment Pannónia utca 4, 1136 Budapest Airbnb. Căn hộ mà cô Marianna và chú Sandor cho chúng tôi thuê nằm trong một toà nhà cổ có lẽ xây dựng ở thời đại hoàng kim của Budapest cuối thế kỷ 19. Nó được chia nhỏ lại từ một căn hộ rất lớn, trong thời Cộng sản chăng, như ở bên ta, mỗi gia đình được phân một phòng trong các căn biệt thự Pháp cổ. Căn hộ thuê có cửa sổ nhìn ngay ra nhà hát Vígszínház. Có cái thú vị riêng khi ấn tượng đầu tiên về thành phố này, là hình ảnh được ngồi bên cửa sổ thưởng thức một tách trà nóng sau chuyến di dài, đứng nhắm khách xem hát ùa ra khỏi rạp sau xuất diễn, những cột đèn trang trí lộng lẫy trước rạp vẫn chưa tắt ánh đèn vàng. Chúng tôi là một trong những khách đầu tiên đến thuê sau khi cô chú sửa lại để làm hình thức kinh doanh này. Cô Marianna trang trí căn hộ đơn giản, nhưng có gu và sáng. Căn hộ gồm một phòng khách rất lớn, đúng chất của những biệt thự xưa, một phòng ngủ nhỏ và bếp đầy đủ đồ dùng. Cô Marianna vốn làm trong ngành hàng không lâu năm, là người chu đáo và dễ chịu trong giao tiếp. Có thể ở khoảng 4 người trong căn hộ, phòng khách có hai ghế sô-fa, và một giường đôi trong phòng ngủ. Giá khi chúng tôi thuê là 30€ một đêm. Vị trí căn hộ rất trung tâm, có thể đi bộ ra Toà nhà Quốc hội.
- New York Palace Budapest Hotel Erzsébet krt. 9, 1073 Budapest +36 1 886 6111. Website. Tripadvisor. Quay trở lại Budapest, chúng tôi đã tranh thủ tận hưởng những địa chỉ mà chắc chắn giá cả khi vừa mở cửa sau mùa dịch nó phải chăng hơn rất nhiều thời bình thường. Toà nhà New York Palace chắc chắn đã là một phần lịch sử của thành phố. Nó nổi tiếng nhất vì quán cà-phê cùng tên nơi tầng trệt – quán New York Café – vốn là trung tâm của đời sống tri thức và nghệ thuật của Budapest trong một thời gian dài. Khi mở cửa, đầu những năm 2000, tập đoàn Boscolo đã mua lại cả toà nhà và sửa lại phần còn laị thành một khách sạn hạng sang. Kiến trúc phần ngoài của toà nhà đã quá xuất sắc, ở phần nội thất trong phòng, họ đã dùng những sản phẩm Italia tinh tế nhất : tường bọc lụa, đèn pha lê Murano và đá cẩm thạch marbre ở mọi nơi. Vẫn còn dáng dấp của một toà nhà mà ban đầu không phải xây để thành khách sạn, mọi phòng đều quay ra một sảnh lấy sáng lớn không hề tiết kiệm diện tích khai thác cho chủ đầu tư. Thích nhất khi lưu trú tại New York Palace Budapest Hotel chắc là ở bữa ăn sáng. Vì phòng ăn dành riêng cho khách là một phần trong quán New York Café. Khi các khách du lịch Budapest khác sẽ phải xếp hàng trong ngày để thưởng thức một ly cà-phê và chiêm ngưỡng nơi đây, thì bạn sẽ có không gian quán dành riêng cho bạn trước giờ mở cửa.
- Courtyard by Marriott Budapest City Center Budapest, József krt. 5, 1088 +3613275100. Website. Tripadvisor. Chúng tôi có vài đêm lưu trú tại đây trong chuyến du lịch Budapest của mình. Thực sự thì chất lượng phục vụ rất tốt so với giá cả mà đoàn mình đã tìm được. Sau dịch Covid mà, mọi thứ khi đó mới chỉ rục rịch khởi động lại. Bữa sáng ăn ở khách sạn đầy đặn và phong phú. Có lẽ nó chỉ thiếu một điều, vì là khách sạn xây mới mà, đó là tí hồn, tí câu chuyện có thể kể…
Bài viết : Trần Việt Dũng
Một số ảnh : Nguyễn Phương Hà

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan