” Bầu trời đã trở về
Cao và xanh biết mấy
Mái nhà như sóng dậy
Con đường như dòng sông
Ngoài khơi nắng mênh mông
Những bài ca không dứt… “

– Đạo thơ Xuân Quỳnh –

Chắc chỉ có duy nhất Venice có cái ma lực cuốn hút lòng người tại mọi ngõ ngách góc cạnh của nó. Thời Chiến quốc bên Tàu, nhân vật Lã Bất Vi đã treo thưởng một chữ nghìn vàng (nhất tự thiên kim, “一字千金”), sẵn sàng trả 1000 nén vàng cho bất kỳ ai sửa đổi được một chữ nào trong bộ sách “Lã thi Xuân thu” mà ông cho biên soạn. Một slogan marketing quá đỗi hiệu quả, đã trở thành thành ngữ, và được lưu truyền cho tới ngày nay. Cũng có thể ững câu thành ngữ trên với Venice, sẽ là đề bài hay và thách thức với mọi kiến trúc sư nếu muốn sửa đổi một góc cạnh nào của thành phố này. Không có gì thích thú hơn như việc được lạc lối trong những con ngõ nhỏ của Venice. Những cảm xúc, như lạ, như quen, tò mò và thích thú cuốn hút đến nao lòng. Như tôi đã từng viết, cùng với Paris và Praha, Venice cạnh tranh danh hiệu thành phố đẹp nhất, hay tuyệt nhất với những ai đang yêu . Venice, viên ngọc giữa biển Adriatic, sinh ra từ biển, và hướng về biển. Nếu có một ngày, biển Adriatic ngập tràn thành phố này, thì giống như chúng ta trả lại cho Hải Vương thuỷ cung của ngài. Cái tên Venice, thành phố trên sông nước, gần như đã trở thành một tính từ hiện thân cho sự lãng mạn và cái đẹp của những thương cảng trên bến dưới thuyền. Bruges tự nhận mình là “Venice của phương Bắc”, Tô Châu tự ví mình là “Venice của phương Đông”, còn Colmar đặt tên cho khu phố trung tâm của mình là “Tiểu Venice – La Petite Venice”. Ai cũng muốn gắn tên mình với Venezia. Venice (hay “Venezia” trong tiếng Ý), là đảo lớn nhất trong vịnh Laguna di Venezia. Thực ra đây không phải là một hòn đảo, mà bao gồm 118 hòn đảo nối với nhau qua hơn 400 con cầu, giữa các đảo thông thương bằng hệ thống kênh rạch làm đường, làm lộ. Chính giữa là con kênh lớn (“Canal Grande”) chia thành phố làm hai phần không bằng nhau. Trên con kênh lớn là các lâu đài – dinh thự (“palazzi”) đẹp nhất Venice. Mọi đại gia đình Venice đều cần phải thể hiện mình bằng cách có một mặt tiền trên kênh Canal Grande. Nếu có một lần được ngồi chuyến vaporetto lúc hoàng hôn từ quảng trường San Marco đi dọc kênh Canal Grande về lại thành phố, trong ánh đèn đang phản chiếu qua những con sóng của mặt nước kia, ta sẽ tự hỏi: “Nếu thượng giới có thiên đàng, hạ giới có Venice chăng”. Kể về Venice sẽ còn nhiều, nhưng chắc chắn không một lời nào có thể thay thế và gợi tả hết được vẻ đẹp gắn liền với thành phố này, chi bằng bạn hãy tự đến và cảm nhận.

Venise

Hành trình:
Ngày thứ nhất : Đảo chính Venice

Đối với đa phần du khách tới du lịch Venice, cửa ngõ vào thành phố đều qua ngả nhà ga Santa Lucia hay quảng trường Piazzale Roma. Venice là thành phố vắng bóng xe hơi, đây là bến đỗ cuối cùng của các tuyến bus nối với đất liền, trước khi khách xuống thuyền vào thành phố.

“Thế giới luôn dành cho những người dậy sớm”. Để bắt đầu một ngày mới như một người Venice chính gốc, cảm nhận cuộc sống như một người Venice trong cuộc sống thường nhật, khi đa phần khách du lịch vẫn êm giấc nồng, hãy ghé sớm qua khu chợ cá Pescaria (Vaporetto bến vaporetto Rialto-Mercato) khi sáng sớm. Nằm cạnh cầu Rialto, trái tim của thành phố, đây là cả một bữa tiệc về giác vị và màu sắc. Khu chợ cổ nhất Venice, có lẽ tồn tại từ thuở khai thiên lập địa của thành phố này, nơi có những quầy hàng bán những sản vật địa phương đặc sắc nhất của toàn vùng Veneto: Actisô tím xứ Sant’Erasmo, măng tây trắng của tổng Bassano… nhưng hấp dẫn nhất chắc là những quầy cá. Tôm cá đủ loại còn tươi rói vừa mới cập cảng, nhộn nhất có lẽ là những chú bạch tuộc nhỏ “moscardini”, những con cua bấy “moeche”, mực ống vẫn đầy ắp những ống mực đen cùng đám nhện biển (“granseole”) trông thật ngộ.

Rialto Pescaria
Chợ cá Rialto Pescaria. Ảnh : Sarah-Rose

Từ chợ Rialto, tôi bắt chuyến vaporetto đi dọc kênh Canal Grande lên quảng trường San Marco. Nếu có một lời khuyên, trong mỗi dịp tới du lịch Venice, hãy đi dọc ngang khắp con kênh này nhiều lượt nhật có thể. Suốt dọc kênh là các lâu đài – dinh thự (“palazzi”) đẹp nhất Venice. Từ ga Santa Lucia đến quảng trường San Marco, cuộc hành trình dài một tiếng đồng hồ sẽ còn đọng mãi trong tâm trí bạn.

Rialto Pescaria
Kênh lớn – Canal Grande

Quảng trường San Marco là trung tâm quyền lực của Venice. Nơi hội tụ hai công trình quan trọng nhất thành phố, trung tâm chính trị (Dinh tổng trấn – “Palazzo Ducale”), và trung tâm tốn giáo (toà thánh San Marco). Đây là điểm đến check-in bắt buộc của mọi khách du lịch tới Venice. Vì lý do thời gian không rộng rãi, cũng như vé vào cửa “Palazzo Ducale” giá khá chát (19€ vé full, 12 € cho những ai vào diện được giảm), chúng tôi chỉ vào tham quan bên toà thánh (mở cửa tử do), một sự kết hợp hài hoà của kiến trúc và văn hoá của các vùng lãnh thổ đã từng là thuộc địa của Venice (Đế quốc Byzantine, Hy Lạp, các lãnh thổ Cận Đông v.v).

Với những ai mê nhiếp ảnh, lên tháp chuông “campanile” của toà thánh sẽ có một góc chụp từ trên cao ấn tượng nhất về toàn cảnh Venice. Để tránh xếp hàng, chúng tôi khuyên mọi người nên quay lại vào cuối giờ chiều, tầm 4-5 h, sau khi các top khách du lịch đi theo đoàn đã rời khỏi đảo.

Quảng trường San Marco lúc hoàng hôn
Quảng trường San Marco lúc hoàng hôn

Băng qua phía kia của quảng trường đi về phía đông. Nếu đi theo phố “Calle Larga XXII Marzo” nơi có những cửa tiệm sang trọng nhất thành phố, chúng ta sẽ đến nhà hát Fenice và nhà thờ Chiesa di Santa Maria del Giglio. Từ đây, chúng tôi bắt chuyến đò ngang traghetto qua bên kia kênh sang khu Dorsoduro.

Cách đi thuyền gondola chỉ với 2€ :

Sự lãng mạn của Venice luôn đi kèm với hình ảnh được bập bềnh dập dìu với sóng nước trên những con thuyền gondola. Cái giá của sự lãng mạn tương đối đắt với dân du lịch bụi, tối thiểu tầm 80€ cho 30-40 phút đi thuyền. Cũng giống như xích-lô tại Hà Nội, ngày nay, gondola chỉ dành cho khách du lịch chứ không có người Venice nào sử dụng nữa. Có một cách vừa được nhập vai dân địa phương, vừa được trải nghiệm đi thuyền gondola vượt kênh lớn với giá rất sinh viên là dùng những tuyến đò ngang “traghetto”. Suốt dọc kênh Canal Grande chỉ có 4 cây cầu bắc ngang. Để tiện việc giao thông giữa hai phần của thành phố, xen kẽ giữa bốn cây cầu là những tuyến đò ngang, hay “thuyền gondola công cộng của thành phố”, để qua kênh. Người Venice gốc một lần đi đò mất 0.70 cents, dân du lịch mất 2€. Một cái giá vẫn rất phải chăng cho một trải nghiệm. Lưu ý nếu đi vào mùa đông, nhiều tuyến “traghetto” dừng hoạt động sớm, hoặc ngừng hẳn hoạt động. Dưới đây là một số tuyến traghetto phục vụ hàng ngày cả sáng lẫn chiều :

  • Từ nhà thờ Santa Maria del Giglio (Campiello Traghetto – GPS : 45.431650, 12.333008) sang khu Salute (Calle Lanza – Calle del Traghetto S. Gregorio – GPS : 45.4309999, 12.3325745) : Từ 8h sáng đến 18h55 hàng ngày (vào mùa đông từ 9h sáng đến 18h tối)
  • Từ khu San Toma’ (Calle del Traghetto – GPS : 45.43551, 12.32831) sang khu San Stefano (Calle del Traghetto o Garzoni – GPS : 45.43528, 12.32954) : Từ 7h sáng đến 20h tối hàng ngày (chủ nhật từ 7h đến 19h)
  • Từ chợ cá Rialto Pescaria sang khu Santa Sofia (Campo Santa Sofia – GPS : 45.44048, 12.33456) : Từ 7h sáng đến 20h55 tối hàng ngày (chủ nhật từ 7h30 đến 18h55) 0415222844


Vị trí các bến traghetto

Bến traghetto
Thuyền traghetto tuyến Santa Maria del Giglio sang khu Salute

Buổi trưa tại Venice, không gì thú bằng được ngồi dưới hiên phủ bóng mát của nhà thờ trắng Basilica di Santa Maria della Salute, ngay cạnh sở thuế cũ Punta della Dogana, tại cửa ngõ của thành phố, chỗ lối vào Canal Grande. Thời hoàng kim, tất cả thương thuyền phải qua đây nộp đủ thuế trước khi được phép vào thành phố dỡ hàng. Nếu chuẩn bị sẵn một bữa picnic nữa, cảnh sắc xung quanh tuyệt mỹ, không bị quá đỗi ồn ào do khách du lịch như phía bên kia kênh chỗ quảng trường thánh Marco, thêm tí gia vị là thứ gió biển lộng mát, người Ý thật biết lấy sự duy mỹ làm chuẩn mực.

Tránh xong cái nắng gắt chính Ngọ của ngày hè, chúng tôi quyết định từ đó xâm nhập về hướng trái tim của khu Dorsoduro, quảng trường có hai nhà thờ lớn I Frari và Scuola Grande si San Rocco. Tại Venise, từ một điểm A đi đến điểm B, có thể lựa chọn hàng vạn con đường khác nhau. Mua một cây kem rồi vừa ăn vừa đi thẳng theo đại lộ dọc biển Zattere chăng. Hay bắt tàu vaporetto ngược kênh, dừng ở chỗ cây cầu gỗ Ponte dell’Accademia, nơi có view đẹp nhất ngắm kênh Canal Grande. Nhưng thú nhất có lẽ là được lạc lối trong mê cung ngõ ngách của Venice. Càng đi, ta sẽ càng chìm dần vào giấc mơ Venice.

Khu Dorsoduro tại Venice
Khu Dorsoduro tại Venice

Venice không phải là một công viên giải trí, một bảo tàng lộ thiên chỉ dành cho khách du lịch. Có những con người đang sống, đang làm việc, đang đến trường hàng ngày trong thành phố này. Những điều tưởng hết sức bình thường nhưng tôi lại vô cùng thích thú khi khám phá ra trong một thành phố tưởng chỉ dành cho những câu chuyện tình gondola. Chúng tôi dừng chân cuộc tản bộ tại một quảng trường trước cửa nhà thờ Scuola Grande si San Rocco nơi nhiều câu thường xuân phủ kín. Trời đã ngả cuối chiều, đành quay lại leo lên tháp chuông “campanile” của thánh đường San Marco mà sáng nay đoàn bỏ qua do không muốn xếp hàng.

Tại Venice, có hai tháp chuông có góc chụp thành phố đẹp nhất từ trên cao. Tháp chuông của nhà thờ chính toà thánh đường San Marco (“Campanile di San Marco”), công trình cao nhất đảo, từ vị trí trung tâm, chụp Venice ra 360° xung quanh. Nếu ai cầu ký hơn, có thể bắt tàu ra nhà thờ San Giorgio Maggiore, nằm trên một hòn đảo nhỏ ngay đối diện quảng trường San Marco, vắng khách du lịch hơn, và từ tháp chuông cho phép chụp toàn cảnh đảo chính Venice.

  • Campanile di San Marco Vaporetto bến vaporetto San Marco, Giờ mở cửa, giá vé 8€/người. Có thang máy đưa lên đến tận tầng trên cùng. Nên đến buổi chiều sau tầm 4-5 giờ chiều sẽ vắng hơn.
  • Campanile di San Giorgio Maggiore Vaporetto Từ quảng trường San Marco, xuống tàu 2 ở bến San Zaccaria rồi xuống ở bến vaporetto San Giorgio Maggiore, giá vé lên tháp 6€/người.

Rialto Pescaria

Chúng tôi tính toán bắt chuyến vaporetto ngược dòng kênh lớn Canal Grande sao cho trời vừa tắt hẳn những sợi nắng cuối cùng khi về đến quảng trường Piazzale Roma. Con kênh lớn là đường huyết mạch, hình chữ S uốn cong, chảy vắt ngang Venice. Vào buổi hoàng hôn, mặt nước phản chiếu ánh đỏ của ráng chiều, hắt lên những dinh thự xây bằng đá cẩm thạch theo kiến trúc Gôthic, sóng vỗ nhẹ vào bờ làm chao liệng những chiếc thuyền gondola đang neo đậu trong bến…

Rialto Pescaria

Ngày thứ hai : Các đảo Murano, Burano và Torcello

Ngày thứ hai của cuộc hành trình. Đoàn chúng tôi chọn khám phá những đảo nổi bật nhất trong vịnh Laguna di Venezia. Murano, với nghề làm thuỷ tinh tinh xảo tài hoa bậc nhất; Burano, bức tranh rực rỡ về màu sắc; và Torcello, cái nôi của văn minh loài người trong vịnh, ngày nay là một ốc đảo thanh bình. Đại văn hào Hemingway thích trú chân tại Torcello mỗi khi ghé Venice, tận hưởng sự tĩnh tâm ở đây để viết. Từ cái thuở khai thiên, Torcello chứ không phải Venice mới là đảo thịnh vượng nhất trong vịnh. Vào lúc đỉnh cao của mình, đã từng có 20.000 dân sinh sống tại Torcello, trước khi bệnh dịch xuất hiện khiến cư dân đi tản cư sang Murano, Burano hay Venice. Ngày nay, còn sót lại thánh đường Basilica di Santa Maria Assunta là minh chứng cho một quá khứ từng vô cùng rực rỡ của đảo.

Rialto Pescaria
Thánh đường Basilica di Santa Maria Assunta tại Torcello. Ảnh : Sasha Wang

Hành trình đi bộ ba đảo vệ tinh này, tôi khuyên nên đi Burano từ sáng sớm trước, sau đó qua Torcello rồi quay lại Murano. Murano là đảo gần Venice nhất, mọi khách du lịch thường đi theo lịch trình từ gần đến xa, đi Murano vào buổi sáng rồi sang Burano. Ta đi ngược với dòng người phần nào giảm thiểu được sự ảnh hưởng của khách du lịch. Burano vốn là một làng chài, đàn ông ra khơi, đàn bà có nghề đan móc đăng-ten trứ danh. Burano nổi tiếng thế giới với những ngôi nhà được sơn màu sắc rực rỡ. Có cảm tưởng như không có hai ngôi nhà cùng một màu sơn đặt sát cạnh nhau tại Burano. Tương truyền lý do ngư dân của làng sơn nhà mình với những tông màu ấm rực rỡ, để luôn thấy được đường về nhà trong màn sương mù ngoài khơi xa.

BuranoBurano

Cuối ngày chúng tôi trở lại Murano. Nghề làm thủy tinh xuất hiện tại Venice từ thế kỷ thứ 10. Thành phố quyết định chuyển hết các xưởng sản xuất thuỷ tinh sang Murano 3 thế kỷ sau đó, do đây là hoạt động dễ gây ra hoả hoạn, quá nguy hiểm nếu đặt tại Venice. Thuỷ tinh Murano từ hàng thế kỷ nay tinh xảo bậc nhất, dưới tay của những nghệ nhân tài hoa. Gần như cả đảo đều là showroom hay xưởng sản xuất. Rất nhiều cửa hàng có tổ chức show trình diễn chế tác đồ thuỷ tinh, được tổ chức tốt nhất có lẽ là cửa hàng Vetreria Artistica Emmedue ở ngay cạnh bến vaporetto Murano Faro. Từ sáng đến tầm 16h hàng ngày thường có show chế tác miễn phí cho các đoàn khách tham quan.

  • Vetreria Artistica Emmedue Vaporetto bến vaporetto Murano Faro, Calle Miotti, 12/A ~ 30141 Murano Venice +39.041.739503, Website.

Thợ thôi thuỷ tinh ở Murano
Thợ thổi thuỷ tinh ở Murano

Mẹo nhỏ :

  • Từ Venice nếu muốn đến thẳng Murano, nhanh nhất là lấy tầu vaporetto số #3 từ Piazzale Roma (hành trình khoảng nửa tiếng).
  • Tại Murano có nhiều bến tàu, nên xuống ở bến Colonna hay Faro rồi tản bộ vào khám phá đảo. Tàu đi Burano xuất phát từ bến Murano Faro.

Chiều cuối cùng trong chuyến du lịch Venice lần này, chúng tôi ngồi uống một ly spritz và ăn đồ ăn xế cicchetti trên một quảng trường nhỏ giữa lòng thành phố lúc này đã đổ bóng mát. Khi trời đã ngả hẳn chiều, tôi cùng đồng bọn ra hóng mát tại đại lộ ven biển Riva degli Schiavoni, chỗ từ quảng trường San Marco đi thẳng ra nếu đi về hướng có cầu than thở (“Ponte dei Sospiri”). Mặt trời đỏ ối đang khuất dần xuống biển. Những mái nhà ngói hồng, những bức tường được nắng cuối ngày rót mật dường như cũng đang chìm dần xuống sóng nước dập dìu.

Bến traghetto
Hoàng hôn Venice chụp từ Riva degli Schiavoni.

Di chuyển tại Venice :

Venice gồm phần nằm trên đất liền (Mestre) và các đảo trên vịnh Laguna di Venezia (Venice và các đảo vệ tinh). Phương tiện công cộng tại Venice do hãng ACTV quản lý (actv.avmspa.it). Tại Mestre có bus và tram, còn nối giữa các đảo là hệ thống thuyền vaporetto. Vì nhiều lý do, cả về kinh tế lẫn sự tiện lợi, đa phần du khách đều ở tại Mestre. Từ Mestre đến đảo chính có hai cách, hoặc đi tàu hoả từ ga Venezia Mestre đến ga Santa Lucia (giá vé 1.5€ mỗi lượt), hoặc đi bus rồi dừng ở quảng trường Piazzale Roma. Về vé giao thông đi lại có thể chia ra làm nhiều loại chính sau (giá năm 2016). Vé lẻ đi một lượt vaporetto là rất đắt, nên đại đa số mọi người đều mua vé ngày.

  • Vé một lượt – Có giá trị trong vòng 75 phút – đi bus và tram – giá 1.5 €
  • Tệp 10 vé lẻ – đi tram và bus – giá 14 €
  • Vé một lượt – Có giá trị trong vòng 75 phút – đi vaporetto – giá 7.5 €
  • Vé 24 giờ – đi được tất cả các phương tiện – giá 20 €
  • Vé 48 giờ – giá 30 €
  • Vé 72 giờ – giá 40 €
Với những ai dưới 29 tuổi – mua thẻ Venice Rolling Card :

Với những ai dưới 29 tuổi, có thể mua thẻ Venice Rolling Card tại các văn phòng tư vấn du lịch Venezia Unica (www.veneziaunica.it). Với thẻ này, mọi người có quyền mua vé đi lại 72 giờ với giá 22€ thay vì 40€. Tổng kết lại là 28€ cho vé 3 ngày. Ngoài ra thẻ du lịch Venice Rolling Card còn cho phép mua vé giảm giá tại một số bảo tàng của thành phố.

Một số mẹo nhỏ và lưu ý khác :

  • Bus ở Venice không bán vé trên xe, nên mua vé ngày của ACTV hay vé lẻ trước khi lên xe tại các nhà ga, các quầy bán báo và thuốc lá.
  • Do giá vé đi lại ở Venice rất đắt, với các bạn sinh viên muốn tiết kiệm, hoàn toàn có thể chỉ cần mua vé một ngày khi đi các đảo Murano – Burano và Torcello, kết hợp buổi tối đi tuyến vaporetto số 1 hoặc số 2 dọc Kênh Lớn nữa (must do tại Venice). Còn khi tham quan đảo chính, hoàn toàn có thể đi bộ. Từ đầu này đến đầu kia của đảo, từ quảng trường Piazzale Roma đến quảng trường San Marco, hoàn toàn có thể đi trong vòng 1 giờ.
  • Nên mua vé trước tại Mestre, sẽ đỡ phải xếp hàng và vắng khách du lịch hơn là tại Piazzale Roma bên Venice. Nếu không tại quảng trường này, vào quầy của Venezia Unica ngay cạnh quầy bán vé của ACTV để mua, vắng vẻ và điều hoà mát rượi.
  • Để search hành trình của bạn, trip planner trên trang chủ của ACTV hoạt động rất tốt (http://muoversi.venezia.it). Nếu bạn có mạng thì tất cả các app chỉ dần đường (Google map etc.) đều rất OK.

Sóng nước lênh đênh trên con Kênh Lớn
Sóng nước lênh đênh trên con Kênh Lớn.

Đến Venice :
  • Bằng máy bay : Sân bay chính của Venice mang tên Marco Polo (mã IATA : VCE), nằm trên đất liền, sát Mestre, cách trung tâm thành phố tầm 10 km. Ngoài ra, các hãng hàng không giá rẻ (Ryanair, Wizz Air…) còn sử dụng sân bay Treviso (mã IATA : TSF), cách Venice 30 km về phía Bắc.
      • Sân bay Marco Polo (mã IATA : BCN) :
        Sân bay chính của Venice mang tên Marco Polo, nằm sát biển, cách trung tâm thành phố tầm 10 km. Nếu may mắn có chỗ ngồi đẹp sẽ được ngắm toàn vịnh Venezia từ trên cao. Có nhiều phương tiện khác nhau để đi từ sân bay về trung tâm thành phố:

          • Bằng xe bus :
              • Bus của hãng ACTV : Bus số #5 nối sân bay với Piazzale Roma trên đảo Venice, còn bus số #15 đưa khách về tới ga Mestre. Giá vé 8€/lượt và 15€ cho vé hai chiều.
              • Bus của hãng ATVO Website Giống như xe của hãng ACTV, nối sân bay chạy thẳng về Piazzale Roma hay ga Mestre. Giá vé 8 € một lượt, 15 € hai chiều. Mất khoảng 30 phút để từ sân bay về Venice, 20 phút về tới Mestre. Cứ khoảng 20 phút đến nửa tiếng có một chuyến.
          • Bằng tàu thuỷ của hãng Alilaguna : Website Sân bay Marco Polo ở ngay cạnh biển, có cầu tầu ở ngay cửa cho phép đi tàu thuỷ vào Venice. Đây có thể là giải pháp hay với ai thuê khách sạn trên đảo, vì tàu dừng được ở cầu Rialto hay quảng trường San Marco thay vì khi đi các phương tiện khác, mọi người buộc phải dừng đổi phương tiện tại quảng trường Piazzale Roma. Thường mỗi tiếng có một chuyến, giá vé 15€ một lượt, 27€ nếu mua vé hai chiều.
          • Đi Taxi : Là một giải pháp hay nếu đi đoàn đông người. Có giá cố định từ sân bay về đến trung tâm Mestre (35€) và Venice (40€). Đi xe 7 chỗ vẫn cùng giá. Như đoàn chúng tôi 6 người, đi taxi về Mestre còn rẻ hơn đi bus. Nếu bạn ở ngoại vi Mestre, phải tính tiền theo công-tơ, thì thường đắt thêm 5€. Không cần đặt xe trước, khi đến nơi, theo chỉ dẫn ra cửa thường có taxi xếp hàng đợi sẵn.

        Cách chúng tôi đã chọn :

        Vì đoàn 6 người, chúng tôi lấy một taxi 7 chỗ về Mestre. Tính tiền theo công-tơ hết 40€. Tính ra chưa đến 6€/người. Vẫn rẻ hơn xe bus mà tiện lợi hơn rất nhiều.

      • Sân bay Treviso (mã IATA : TSF) :
          • Bus của hãng ATVO Website Tiện nhất để từ sân bay Treviso về thành phố là đi xe của hãng ATVO. Xe dừng ở ga Mestre hay quảng trường Piazzale Roma trong thành phố. Giá vé là 12€ nếu đi một chiều, 22€/2 chiều. Mất một tiếng để từ sân bay về Venice nếu đường không tắc. Giờ xe chạy tính toán phù hợp với giờ bay. Nên lên trang web của hãng để tham khảo giờ xe chạy.
          • Bus của hãng Barzi Bus Service Website Cũng tương tự như xe của ATVO, nhưng thay vì về quảng trường Piazzale Roma trong thành phố, xe dừng ở bến Tronchetto. Giá vé rẻ hơn một chút, 10€ nếu đi một chiều, 18€/2 chiều. Mất một tiếng để từ sân bay về Venice nếu đường không tắc. Giờ xe chạy na ná như xe của ATVO, tính toán phù hợp với giờ bay. Nên lên trang web của hãng để tham khảo giờ xe chạy.
  • Bằng tàu hoả :
    Venice có hai nhà ga chính, ga “Venezia Mestre” trên đất liền, và ga “Venezia Santa Lucia” trên đảo. Đa số các tàu đều dừng cả ở hai ga, và giá vé là bằng nhau. Hãng đường sắt quốc gia Ý là hãng Trenitalia (www.trenitalia.com). Ngoài ra, còn có hãng tàu tư nhân Italo (www.italotreno.it) khai thác một số tuyến tàu cao tốc từ Venice đi thẳng đến Florence, Roma hay Napoli. Tàu của Italo tương đối mới và tiện nghi, có wifi trên tàu. Tới Florence mất tầm 1 tiếng rưỡi, tới Roma mất 3 tiếng. Vé của hãng Italo thường rẻ hơn vé Trenitalia. Sau vài tuần quan sát, tôi có tạm rút ra một số quan sát về sự lên xuống của giá vé Italo thế này :

      • Như tất cả các hãng, nếu bạn đi vào ngày trong tuần, vé sẽ rẻ hơn ngày cuối tuần.
      • Nếu xem vé vào ngày cuối tuần, sẽ thấy thời điểm đó hãng tăng giá vé. Cùng chuyến đi đó, vài ngày sau xem lại vào một ngày trong tuần sẽ thấy vé lại giảm. Đa phần người đi làm, sẽ chỉ có thời gian connect và mua vé vào ngày cuối tuần, nên đây là cách “kiếm thêm” của Italo.
      • Follow trang Facebook của hãng để nhận được code khuyến mại. Thường hãng tung ra code khuyến mại vào ngày cuối tuần khi đã tăng giá vé.
      • Giá vé thấp nhất ngoài super deal mà tôi thấy cho tuyến Venice – Roma là 20€ (cho tháng 7 – mùa du lịch). Mỗi tuần Italo sẽ dành một số chuyến (xoay vòng) để áp dụng giá này. Nếu bạn săn vé từ sớm thì cứ bình tĩnh, sẽ đến lượt chuyến mà mình mong muốn được áp dụng giá tốt.
🚂 Vài thông tin về đường sắt tại Ý :
  • Hãng đường sắt quốc gia Ý là hãng Trenitalia (www.trenitalia.com). Ngoài ra, còn có hãng tàu tư nhân Italo (www.italotreno.it) khai thác một số tuyến tàu cao tốc từ Venice đi thẳng đến Florence, Roma hay Napoli. Tàu của Italo tương đối mới và tiện nghi, có wifi trên tàu. Tới Florence mất tầm 1 tiếng rưỡi, tới Roma mất 3 tiếng. Vé của hãng Italo thường rẻ hơn vé Trenitalia.
  • Follow trang Facebook của Italo để nhận được code khuyến mại cũng như thông báo về các chương trình giảm giá đặc biệt. Thường thì cuối tuần nào hãng tung ra code khuyến mại. Nhưng đây thực chất chỉ là chiến thuật marketing. Mỗi cuối tuần hãng gửi mã khuyến mại, nhưng mỗi cuối tuần hãng đều tăng giá vé bán.
  • Với hệ thống tàu của hãng Trenitalia: các tàu cao tốc (Frecciarossa - Frecciargento - Frecciabianca) và tàu liên tỉnh các tàu liên tỉnh Intercity (IC), trên vé có số ghế ngồi, không có giá vé cố định mà giá vé thay đổi lên xuống, cũng có chương trình khuyến mại như vé máy bay. Theo dõi giá vé và mua vé thẳng trên trang (www.italotreno.it).
  • Với hệ thống tàu vùng "Regionali" đi những quãng đường ngắn. Loại tàu này vé không có số ghế cố định, bạn lên tàu thấy ghế nào trống thì ngồi. Thường giá vé cố định, không cần phải đặt trước, cứ đến ga rồi mua.
  • Ngoài ra, các bạn có thể Like Page vivu.fr hay Join trang Hội những người thích vivu. Mỗi khi đường sắt Ý bắt đầu mở bán vé giá rẻ hay có đợt khuyến mãi đặc biệt, bọn mình đều share ở hai địa chỉ trên 😜.

Venice chụp từ máy bay
Venice chụp từ máy bay trước khi hạ cánh xuống sân bay Marco Polo.

Quán ngon tại Venice:

Có lẽ, độc đáo nhất trong nét ẩm thực Venice là văn hoá “Cicchetti”, đồ ăn – đồ nhắm nhẹ bữa xế chiều. Đây là nét chung của những quốc gia nhiệt đới. Ở ta có văn hoá bia hơi, ở Tây Ban Nha là tapas, còn ở Venice là Cicchetti. Giờ tan tầm, mọi người lại ghé một quán bar quen, hàn huyên với bạn bè quanh ly rượu vang và vài món ăn nhẹ trước khi về nhà. Kể đến vài loại ciccheti, ngon nhất có lẽ là những món làm từ hải sản, “sarde in saor” (cá mòi ngâm dấm trộn hành), “folpine” (mực chiên ròn), cá rán… Với những ai không ăn được đồ biển, có thể thử “crostini” (lát bánh mì bé kèm đồ nguội và pho-mai), polpette (thịt tẩm bột chiên) hay melanzane in carrozza (cá tím chiên dầu). Uống kèm ngoài rượu chát, còn có hai món cocktail gốc Venice đã được cả thể giới đón nhận, một ly Bellini hay một ly Spritz. Cả hai cùng pha chế từ vang prosecco trắng, thêm hương vị để uống thật mát và thật dịu vào mùa hè. Người Venice quả là những người biết sống.

  • Sessanta/Quaranta (60/40) Calle di Mezzo, 128, 30123 Venezia +39 041 476 4997 Page Facebook Tripadvisor. Một quán cà phê nhìn ra một quảng trường nhỏ trong khu Dorsoduro. Gần phía nhà thờ Santa Maria della Salute. Tôi đã biết mình sẽ được ăn ngon khi thấy mấy chú cảnh sát khu vực vào nghỉ chân uống cà phê và ăn trưa. Tiệm có bán kèm kem nhà làm cùng bánh mì kẹp thịt nguội ngon tuyệt. Thịt nguội (prosciutto hay salami chăng) được thaí lát khi ta bắt đầu gọi, ăn kèm chút rau sống nữa, vài lát cà chua cùng dăm nhánh rucola, đơn giản mà thật ngon.
Lưu ý :

Tại Ý, rất nhiều nhà hàng thu thêm phí dịch vụ tính theo đầu người (gọi là pane e coperto – có thể dịch là tiền cho bánh mì và dao dĩa). Tất nhiên là nếu bạn không động vào bánh mì, và ba người gọi một món ăn chung, hoặc chỉ một người ăn và các người còn lại ngồi chơi, thì các nhà hàng vẫn tính tiền dịch vụ cho cả ba người đầy đủ. Tiền dịch vụ này thường dao động từ 0,5 cents cho đến 4€ cho mỗi khách, nhiều khi còn đắt hơn nữa tại những khu đông khách du lịch. Vậy nên phải lưu ý kỹ đến vấn đề này khi chọn quán khi tới du lịch Venice.

Ponte Dei Sospiri
Cầu than thở – Ponte Dei Sospiri.

Chỗ ngủ :

Vì nhiều lý do mà nên chọn phòng nghỉ bên đất liền (Mestre) hơn là trên đảo Venice. Thứ nhất là về giá cả, tại Mestre rẻ hơn, mà thời gian để vào Venice vẫn trong tầm chấp nhận được. Thứ hai, Venice được hợp thành từ 118 hòn đảo nối với nhau bởi hơn 400 cây cầu, đa phần đều không thẳng dốc mà lên xuống có bậc thang. Phương tiện công cộng (“vaporetto”), chỉ đỗ trên kênh lớn và xung quanh đảo chứ không đi sâu vào trong. Mỗi lần qua một cây cầu như tự xách vali lên xuống một tầng lầu, rất bất tiện với những ai mang nhiều hành lý. Lời khuyên của tôi là nên thuê nhà ở Mestre, nơi nào gần ga tầu hoả, hoặc một tuyến bus đến thẳng Piazzale Roma.

Quảng trường San Marco
Quảng trường San Marco.

Tránh triều cường (“Acqua Alta”) khi du lịch Venice

Venice, như mọi thành phố sông nước ven biển, hàng ngày có hai đợt thuỷ triều dâng cao. Những đợt triều cường lớn nhất (“Acqua Alta” – dịch nghĩa là “nước lớn” trong tiếng Ý) có thể ngập tràn vào thành phố thường bắt đầu từ cuối tháng 11 đến tháng 3. Vì lý do này, nên tránh tham quan Venice vào mùa đông, dù thành phố sẽ chỉ bị ngập rồi nước lại rút ra nhanh chóng trong vài giờ. Một số địa điểm tham quan đặc biệt bị ảnh hưởng như quảng trường San Marco vốn là một trong những nơi thấp nhất Venice. Nếu tham quan Venice trong thời gian này, nên theo dõi sát sao dự đoán về mực triều lên của Trung tâm dự báo về thuỷ triều của thành phố. Người dân sống tại Venice đã có kinh nghiệm sống trung với lũ trong hàng thế kỷ, và dựa vào dự báo này, họ có thể biết chính xác nước sẽ ngập đến vị trí nào. Tôi đã từng chứng kiến một cảnh không tưởng, khi nước bắt đầu lên từ khoảng cuối chiều, quảng trường San Marco đã bị ngập hết tại khu vực chính giữa. Nước chỉ còn cách quán cafe Florian không đầy mười bước chân. Nhưng những người phục vụ cũng như các nhạc công của quán vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, vẫn tiếp tục phục vụ và chơi nhạc. Họ biết được đến chính xác lúc nào thì nước mới ngập tới quán. Dưới đây là dự báo của trung tâm về mực nước cho ba ngày tới. Thành phố sẽ bắt đầu có chỗ bị ngập khi mực nước lên trên 90 cm so với mực nước biển.

2023-06-01
Dưới đây là tính toán tỉ lệ thành phố bị ngập ở từng mức thuỷ triều cho mọi người dễ hình dung :
Ở mực nước cao 90 cm so với mực nước biển : 1.84 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 100 cm : 5.17 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 110 cm : 14.04 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 120 cm : 28.75 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 130 cm : 43.15 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 140 cm : 54.39 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 150 cm : 62.98 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 160 cm : 69.43 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 170 cm : 74.20 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 180 cm : 78.11 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 190 cm : 82.39 % thành phố bị ngập.
Ở mực cao 200 cm : 86.40 % thành phố bị ngập.



 

About the author: Trần Việt Dũng

 

V I V U E R - H A N O I A N in L Y O N

Facebook-Icon