“Vienna wasn’t just a city, it was a tone that either one carries forever in one’s soul or one does not. It was the most beautiful thing in my life. I was poor, but I was not alone, because I had a friend. And Vienna was like another friend. When it rained in the tropics, I always heard the voice of Vienna. And at other times too. Sometimes deep in the virgin forests I smelled the musty smell of the entrance hall in Hietzing. Music and everything I loved was in the stones of Vienna, and in people’s glances and their behavior, the way pure feelings are part of one’s very heart. You know when the feelings stop hurting. Vienna in winter and spring. The allés in Schönbrunn. The blue light in the dormitory at the academy, the great white stairwell with the baroque statue. Morning ridings in the Prater. The mildew in the riding school. I remember all of it exactly, and I wanted to see it again…”
– Sándor Márai –
Mục lục
Tháng 10, Vienna vào tiết trung thu. Lá đã vàng còn hoa chưa hẳn tàn. Nếu có thể ví mùa đông là tuổi già, mùa xuân là thanh nữ, mùa hè là tuổi tráng niên thì tuổi say đắm là mùa thu chăng. Du lịch Vienna mùa nào cũng quyến rũ, nhưng có lẽ con người ta dễ đắm đuối trong thành phố này hơn mỗi khi thu về. Mùa thu là mùa thơ mùa mộng làm mỗi con người đêù có thể trở thành thi nhân, hoạ sĩ, mỗi trái tim đều say mê, mỗi con mắt đều đắm đuối đôi khi chỉ trước một cuống lá úa nhẹ rơi…
Ấn tượng đầu tiên về Vienna là như được bước vào một cỗ máy thời gian mang mình về thế kỷ trước. Những cung điện của triều đại Habsburg, tiếng vó ngựa lộp cộp trên những con đường lát đá, tiếng vĩ cầm mỗi góc phố khi chiều về; hay những quán cà-phê trăm tuổi, ghế nỉ đã sờn, người phục vụ thắt nơ con bướm, Văn hoá cà-phê Vienna – “Wiener Kaffeehauskultur” đã được xếp hạng Di sản Văn hoá phi vật thể của UNESCO từ năm 2011.
Vienna trong thực tế lại luôn mang những giá trị trái ngược lại với cái ấn tượng ban đầu cổ kính rêu phong đó, nó luôn là một thành phố tiên phong, cầm đầu lá cờ cách tân nghệ thuật. Những giá trị ngày nay ta coi là cổ điển, vào lúc ra đời cũng đều là điều tiên phong phá cách, nhưng được xã hội tiếp nhận và lưu giữ với thời gian. Nhạc Mozart khi ra đời là điều phá cách, tranh của Klimt cũng vậy, cũng như bao trào lưu nghệ thuật khác ra đời từ thành phố này.
Liên tục được liệt vào bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới; Vienna, ngoài việc là kinh đô của âm nhạc, của nghệ thuật, của sự đa văn hoá, còn là một đô thị xanh. Ngay trong khu trung tâm tấc đất tấc vàng, có quá nhiều không gian xanh giúp ta sống chậm lại, hít thở một hơi chậm và sâu hơn để cùng tận hưởng cuộc sống. Không phải có một, mà như có nhiều Vienna cùng tồn tại. Có quá nhiều khía cạnh để có thể khám phá thành phố này. Tôi tin rằng ai cũng sẽ tìm được một góc thành Viên của riêng mình, để yêu và để say đắm. Phải thú nhận là không một lời nào có thể thay thế và gợi tả hết được nét đẹp cổ kính gắn liền với thành phố này, chi bằng bạn hãy tự đến và cảm nhận.

Cung điện Hofburg
Lịch trình tham quan Vienna
Ngày thứ nhất : Schönbrunn – MuseumsQuartier – Prater – Hundertwasserhaus
Hành trình của tụi tôi lần này bắt đầu bằng một việc không may mắn. Chuyến bay bị huỷ vào phút chót, phải đổi chuyến, khiến chúng tôi mất gần trọn vẹn một ngày tại Vienna. Kế hoạch ban đầu ba ngày phải rút ngắn lại còn hai. Điều này khiến chúng tôi phải huỷ bỏ gần như toàn vẹn kế hoạch tham quan phần bên trong các công trình.
Tối đầu tiên tại Vienna, về đến khách sạn xong xuôi khi trời đã gần tắt nắng, lại mệt mỏi sau một ngày dài trên sân bay, việc đầu tiên tại Vienna là chạy ngay ra quảng trường cạnh bảo tàng Albertina, ăn một cây xúc xích pho mai – “käsekrainer” trong một ki-ốt bán xúc xích trên vỉa hè “Würstelstand” đặc trưng của Vienna. Những tiệm “Würstelstand” đã thành một trong những nét văn hoá đặc trưng của thành phố, thường được mở bán liên tục tờ sáng sớm đến tờ mờ sáng ngày hôm sau, nơi ta có thể bắt gặp tất cả các tầng lớp xã hội người dân Wien, từ ông giám đốc complet cravate vào ăn, cho đến chàng sinh viên thường viêm màng túi, một bà mệnh phụ nước hoa thơm lừng quần áo sang trọng, cho đến các lữ khách qua đường như chúng tôi. Xúc xích nào ăn cũng ngon, nhưng ở những tiệm ngon nhất, nó có cái tinh tế ở điểm xúc xích thơm ngậy nhưng không béo, đậm vị nhưng không đến nỗi mặn, ăn kèm với mù-tạt ở đây thơm nhẹ chứ không cay nồng, một ly bia chanh (“Radler”) của hãng Stiegl, những ai muốn thêm gia vị, mua một quả dưa chuột hay thêm quả ớt muối chua, dưới 5 € đã có một bữa ngon miệng và chắc dạ.
Khi ăn xong vợ tôi mới kể đây là món ăn ước mơ từ nhỏ của cô ấy. Không rõ hồi bé tí, được bố mẹ đi công tác về kể chuyện, hay là xem chương trình du lịch trên tivi mà cô ấy cứ ấn tượng mãi món xúc xích nhân pho mát. Một cây xúc xích to như quả dưa chuột Việt Nam – phải nhấn mạnh là thời đó xúc xích Đức Việt có lẽ chưa có và nhà nhà vẫn ăn Vissan bé tí bở bở như toàn bột – quay lại với món mơ ước của vợ, một cây xúc xích to như dưa chuột và bên trong có những lỗ nho nhỏ và trong những lỗ đó là pho mát. Sau khi nướng trên bàn nướng nóng hổi, dùng dao cắt xúc xích thành lát ăn với bánh mỳ, chỉ nghĩ đến cảnh pho mát nhẹ ứa ra khi con dao chạm đến miếng xúc xích là cũng đã chẹp lưỡi thèm nhỏ dãi rồi.
Rồi với thời gian, vợ cũng đã bẵng quên về ước mơ này . Thế mà lần này đi Viên đứng ăn streetfood cách nhà Mozart chưa đầy 500m, mình đã được cho cô ta ăn NÓ. Miếng đầu tiên vào miệng cô ấy nói chỉ biết thốt lên : “Anh ơi, đúng nó rồi, dù chưa ăn bao giờ nhưng đây chắc chắn là giấc mơ ngày bé của em rồi . Dưa chuột muối đủ độ chua giòn dường như thơm hơn, đến mù tạt ăn kèm dường như cũng ngon hơn. Đúng nó thật rồi. Xúc xích nhân pho mát thần thánh.” Món ăn trong trí nhớ tuổi thơ bao giờ cũng là những món ăn ngon nhất. Nhất là khi nó là món ăn của ước mơ. Bằng một cách tình cờ, hôm nay, tôi đã thực hiện được, cho dù nó vô cùng nhỏ bé, một ước mơ của vợ.

Toà nhà quốc hội Áo trên đại lộ Ringstraße
Bảo tàng Albertina, giống như nhiều bảo tàng nghệ thuật của châu Âu, vốn trước là một cung điện, nằm khuất sau khu vườn Burggarten so với đại lộ vành đai Ringstraße. Đại lộ vành đai “The Ring” như một chuỗi ngọc trai bao bọc khu trung tâm cổ của Vienna : Innere Stadt – “Thành phố nội đô”. Ringstraße chạy vòng quanh ôm trọn khu Innere Stadt, xây theo chu vi của tường thành cũ, cũng là nơi tập trung đa phần những công trình hoành tráng nhất trong khu phố cổ. Nếu tính từ bến metro Schottentor tới bến Karlsplatz, chạy dọc theo đại lộ, trên hành trình chưa đầy 2 km. Lần lượt ta chiêm nghiễm nhà thờ Votivkirche, Đại học Vienna – “Universität Wien”, nhà hát Burgtheater đối diện với toà thị chính Rathaus, Toà nhà quốc hội Áo, quần thể cung điện mùa đông Hofburg, các bảo tàng Lịch sử Tự nhiên – “Naturhistorisches Museum” cùng bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật – “Kunsthistorisches Museum”, sau khi đi qua khu vườn Burggarten sẽ đến nhà hát Opera quốc gia – “Wiener Staatsoper” chếch bên nhà thờ Karlskirche. Trời đã nhá nhem, chúng tôi chỉ tập trung đi thăm Phòng khách tiết của Thư viện Quốc gia Áo, vốn là Thư viện của Hoàng cung Hofburg, được đánh giá là một trong những phòng đọc đẹp nhất thế giới, một trong những điểm must-see ở Vienna, với những pho sách ngàn tuổi, những giá sách khắc gỗ theo phong cách baroque. Mọi chương trình còn lại xin để ngày mai.
- Phòng khánh tiết của Thư viện Quốc gia Áo – The State Hall of Österreichischen Nationalbibliothek Josefsplatz 1, 1015 Wien Website. Mở cửa hàng ngày từ thứ 3 đến chủ nhật, và từ mười giờ sáng đến 6 giờ tối. Riêng ngày thứ năm, thư viện mở cửa muộn đến 9 giờ tối. Từ tháng 6 đến tháng 9, thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Giá vé tham quan là 7 € cho người lớn, miễn phí cho ai dưới 19 tuổi. Nếu mua vé đoàn trên 10 người là 4.5 €. Ngoài ra còn có vé dành cho gia đình 2 người lớn và 2 thành viên dưới 19 tuổi giá 12.5 € (giá năm 2016)

Phòng khánh tiết của Thư viện Quốc gia Áo – Nguồn : onb.ac.at
Như tôi vẫn thường viết, khung giờ nên tránh nhất khi tham quan một địa điểm là khung giờ của khách đi tour. Tại Wien, có hai điểm đến bắt buộc của khách đi tour là Cung điện mùa hè Schönbrunn cũng như Cung điện mùa đông Hofburg. Có hai buổi sáng tại Vienna, chúng tôi dành mỗi sáng sớm cho một địa điểm, hơi vất vả và ngược đời tí tẹo khi đi chơi mà vẫn phải dậy sớm, nhưng để đến nơi tham quan cho vắng vẻ và luôn đi trước khách đi tour một bước.
Cung điện mùa hè, nằm tại quận Hietzing, cách thành phố tầm 15 phút ngồi tàu về phía Tây. Cung điện Schönbrunn được xây dựng theo trào lưu mà các Đại hoàng gia châu Âu, bị ảnh hưởng bởi Versailles, đều muốn xây dựng những dinh cơ đổ sồ với thiên nhiên bao bọc vùng ngoại ô. Áo có Schönbrunn ở Vienna. Những vị vua Đức Phổ cho xây Sans Souci tại Postdam. Còn Sa hoàng Pierre Đại đế xây cung Peterhof ngoài vùng ngoại vi Saint-Petersburg. Một điều đáng tiếc là do trục trặc chuyến bay ngày đầu tiên mà mọi chương trình tham quan của hai chúng tôi tới đâu cũng phải rút ngắn lại. Chúng tôi chọn dành buổi sáng chỉ để tham quan khu vườn mà không vào trong lâu đài. Khu vườn đầu thu nhưng vẫn nhiều hoa. Với ai không ngại vận động, nên leo lên quả đồi phía sau vườn, chỗ công trình Gloriette, để tận hưởng một góc nhìn khác về Schönbrunn.

Cung điện Schönbrunn
Về lại thành phố cũng sắp giờ ăn, nhờ một địa chỉ mà một bạn sinh viên Việt Nam đang học tại Vienna chia sẻ, chúng tôi có một bữa ăn đủ bốn tiêu chí: đúng chất Vienna, thật ngon, thật no, và rất hợp túi tiền. Một suất Wiener Schnitzel – thịt bê tẩm bột rán nóng sốt, gọi kèm với salad khoai tây trộn hành và một vại bia lớn. Suất ăn một người của quán chắn chắn hai người mình ăn chung vẫn thấy no. Ra khỏi quán chính là lúc bạn hiểu thế nào là khái niệm “ăn uống no say”…
Tình cờ và tò mò thôi, sau bữa ăn trưa, tôi ghé ngang MuseumsQuartier (MQ) trên đường bắt tàu về lại trung tâm thành phố. Thật khó để có một định nghĩa chính xác về MuseumsQuartier, chỉ biết rằng thành Vienna đã dành 20 năm chỉ để bàn luận, cũng như 10 năm để hoàn thành cái tôi tạm gọi là “Một quần thể dành cho nghệ thuật” giữa lòng thành phố này. Nằm trong khuôn viên cũ của Hoàng cung, nó là một sự đan xen giữa kiến trúc cổ kính với cái hiện đại tối giản. Nổi bật nhất có lẽ là bảo tảng nghệ thuật đương đại Mumoc (“MUseum MOderner Kunst”). Nói là một “quần thể” nghệ thuật vì ngoài Mumok, MuseumsQuartier còn tập hợp bảo bàng Leopold Museum, trung tâm kiến trúc Vienna – “Architekturzentrum Wien” (AZW), không gian “Tanzquartier Wien” dành cho nghệ thuật múa… cùng nhiều gallery, văn phòng và open space cho những start-up v.v. Ngay cả những ghế băng trong sân của MQ riêng lẻ cũng là những tác phẩm nghệ thuật, được đặt tên là Enzi, những hình khối có thể lắp ghép đa cách, đa màu sắc theo từng thời điểm, như những khối lego khổng lồ cho mỗi người nghịch ngợm, có thể ngồi, có thể nằm, một nơi không thể tuyệt hơn để đánh một giấc nghỉ trưa mỗi trưa hè.

MuseumsQuartier và những ghế băng Enzi – Nguồn: lotterien.at
Buổi chiều chúng tôi khám phá khu phía đông bắc Vienna, quanh quận Leopoldstadt. Một phần lớn diện tích của quận là công viên Prater, trước là khu rừng đầm lầy cạnh sông Danube, đất săn bắn của hoàng đế, sau thành công viên, với Vòng quay Prater (“Wiener Riesenrad”), một trong những biểu tượng của thành phố. Hơi thất vọng với Vòng quay, vé tương đối đắt (9,5 € – giá năm 2016), view đẹp nhưng khá khó chụp. Bù lại, tình cờ do không tìm hiểu trước, chúng tôi đến công viên đúng dịp lễ hội Bia của Vienna – Wiener Wiesn-Fest được tổ chức.
Tất nhiên không nổi tiếng và có quy mô không lớn bằng “Oktoberfest” ở Munich, nhưng không thể nào bỏ lỡ dịp qua lễ hội nếu có mặt tại Vienna khi cuối tháng 9 đầu tháng 10. Từ “Wiesn” trong tiếng Đức có nghĩa là “đồng cỏ”, người Munich gọi thân mật lễ hội bia của họ như vậy vì Octoberfest luôn được tổ chức ở cánh đồng “Theresienwiese” từ hai trăm năm nay, còn tại Vienna là khoảng không ngay cạnh công viên Prater. Lễ hội bia hiểu rộng rãi ra, như một lễ hỗi văn hoá dân gian Đức – Germanic. Công thức để lễ hội bia thành một trong những lễ hội dân gian thành công nhất thế giới bao gồm bia ngon làm chất xúc tác, âm nhạc luôn tưng bừng vui nhộn; mỗi hãng bia lớn đều dựng rạp ngồi được ngàn thực khách, có band nhạc chơi từ sáng đến tận khuya, và quan trọng là ai đến cũng với không khí vui tươi hết mình. Cũng là dịp ta được hoà mình vào văn hoá Đức-Áo nữa. Hội bia ở Vienna ít khách du lịch, đa phần khách Áo đến lễ hội đều mặc đồ truyền thống, nam quần da dê (“Lederhosen”) và nữ váy yếm (“Dirndl”). Lâu rồi chúng tôi mới thấy được vui đến thế. Tại lễ hội bia của Vienna, không đông bằng Octoberfest, nên nếu vào ngày trong tuần, không khó khắn lắm để có chỗ ngồi trong lều chính. Thường vào các ngày trong tuần, trước 18 giờ tối không mất tiền vé vào lều, chỉ phải trả tiền bia và thức ăn. Buổi tối chương trình ca nhạc thường phong phú hơn, hoặc do đông khách hơn, nên có bán vé vào cửa. Có thể tham khảo Website của Wiener Wiesn-Fest.

Lễ hội bia Wiener Wiesn-Fest
Từ công viên Prater, nếu muốn đi bộ, cũng không quá xa để đến chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc của hoạ sĩ Hundertwasser.
Friedensreich Hundertwasser (1928 – 2000) là một họa sĩ, kiến trúc sư và nhà điêu khắc người Áo. Ngoài kiến trúc, ông cũng đã có được những thành công đáng kể trong lĩnh vực hội họa. Tuy nhiên, người ta vẫn biết đến Friedensreich Hundertwasser nhiều hơn với tư cách một kiến trúc sư.
Được so sánh với kiến trúc sư đại tài Antoni Gaudí, triết lý sáng tạo của Hundertwasser không ngừng nới lỏng các nghiêm luật khắt khe của nghệ thuật thông thường, từ đó đem lại cho người xem những trải nghiệm mới. Những thiết kế của ông sử dụng các dạng bất quy tắc, về cấu trúc và màu sắc, cùng sự kết hợp chặt chẽ với nền tảng tự nhiên của cảnh quan xung quanh. Ông tẩy chay kiểu kiến trúc với những đường thẳng, yêu cầu “sự tự do” cho mỗi tòa nhà, và quyền được sáng tạo của mỗi người nghệ sĩ.
Tại Vienna, ngoài hai công trình gần công viên Prater : khu căn hộ Hundertwasserhaus và bảo tàng Museum Hundertwasser, còn có thể tham quan nhà máy đốt rác thải Fernwärme Wien. Những công trình của Hundertwasser là những điểm tham quan thu hút đông khách du lịch nhất Vienna.
- Hundertwasserhaus Kegelgasse 34-38, 1030 Wien Website.
tàu #1, bến Hetzgasse.
- KunstHausWien – Museum Hundertwasser Untere Weissgerberstraße 13, 1030 Vienna Website.
tàu #1, bến Hetzgasse. Các tàu #1 và tàu O, bến Radetzkyplatz.

Khu căn hộ Hundertwasserhaus
Ngày thứ nhì : The Ring – Naschmarkt – Bảo tàng Belvedere – Grinzing.
Có một hành trình không thể nào bỏ lỡ khi du lịch Vienna, là đi dọc đại lộ vành đai Ringstraße, như chuỗi ngọc trai ôm trọn khu trung tâm cổ thành phố : Innere Stadt – “Thành phố nội đô”. Ringstraße, xây theo chu vi của tường thành cũ, cũng là nơi tập trung đa phần những công trình hoành tráng nhất trong khu phố cổ. Nếu tính từ bến metro Schottentor tới bến Karlsplatz, chạy dọc theo đại lộ, trên hành trình chưa đầy 2 km. Lần lượt ta chiêm ngưỡng nhà thờ Votivkirche, Đại học Vienna – “Universität Wien”, nhà hát Burgtheater đối diện với toà thị chính Rathaus, Toà nhà quốc hội Áo, quần thể cùng điện mùa đông Hofburg, các bảo tàng Lịch sử Tự nhiên – “Naturhistorisches Museum” cùng bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật – “Kunsthistorisches Museum”, sau khi đi qua khu vườn Burggarten sẽ đến nhà hát Opera quốc gia – “Wiener Staatsoper” chếch bên nhà thờ Karlskirche. Có cái cảm giác được khám phá cái thành phố này trong cái nắng tươi mới một buổi sớm mai, sương trong các khu vườn còn vương đọng trên những tán lá, cả thành phố còn đang giấc nồng rồi dần tỉnh giấc, chẳng mấy khi lại được hít thở thảnh thơi, bước thảnh thơi, quan sát mọi vật thảnh thơi và sống chậm lại như thế.

Toà thị chính – Rathaus
Từ đại lộ Ringstraße, khi đến Hofburg, có thể cắt ngang qua; tại cổng phía bên kia của cung điện, dọc theo các đại lộ Kohlmarkt và Graben, những con phố thương mại sầm uất và sang trọng nhất thành phố, sẽ đến nhà thờ Domkirche St. Stephan, nhà thờ chính toà Vienna. Với những ai yên mến Mozart, nhà và bảo tàng về cuộc đời ông ở cách nhà thờ có vài bước chân.
- Mozarthaus Domgasse 5, 1010 Wien Website.
bến Stephansplatz.

Bảo tàng Naturhistorisches Museum
Sau khi tham quan nhà thờ Karlskirche, không quá xa để đến khu chợ trời Naschmarkt. Khi tới mỗi thành phố, tôi thường ngộ ra rằng, chẳng có chỗ nào sinh động cho bằng cái siêu thị ngoài trời, trên là trời mây dưới là hoa trái cuộc đời. Trong và quanh chợ có quầy hàng bán đủ sản vật trên đời. Với tôi ấn tượng nhất là những quầy bán gia vị, mùi hương quế, ớt bột đủ loại, hồ tiêu, nhắc ta lại Vienna vốn là thủ đô của Đế quốc Áo-Hung, một đế chế mà vào thời cực thịnh của mình, đã là bá chủ của của gần như mọi dân tộc Trung-Nam đến Đông Âu, và bản sắc Vienna, ẩm thực Vienna là một tập hợp đa văn hoá. Ngày thứ 7, khu cuối chợ còn họp thêm phiên chuyên bán đổ cũ. Ngoài ra, cũng khó có thể cưỡng lại được muốn thử ăn món gì đó trong vô số gian hàng ẩm thực trong chợ.

Nhà thờ Christkindlmarkt Karlskirche
Buổi chiều cuối cùng trong chuyến du lịch Vienna lần này, hai bọn mình ghé lâu đài Belvedere, nay đã thành bảo tàng, lưu giữ có lẽ là gia sản lớn nhất của hội hoạ Áo, bức “Nụ hôn” của Gustav Klimt. Nếu tham quan lâu đài mà sát giờ ăn trưa hay ăn tối, có thể thử quán bia tươi Salm Bräu ở ngay cổng ngoài, bia ngon nấu tại chỗ, cũng như đồ nhắm đầy đặn, hãy gọi thử một suất chân giò muối của quán.
Ngay vùng ngoại vi Vienna là những triền đồi hướng Nam thuộc hệ thống hoành sơn của dãy Anpơ, một địa hình không thể tuyệt hơn để trồng nho làm rượu. Vào dịp hè hay đầu thu, khi cuối chiều, thật thích nếu được lên đây ngắm hoàng hôn đang dần buông xuống thành phố từ những ruộng nho, rồi ăn tối tại một trong các quán “Heuriger” truyền thống, có tiếng nhất là tại làng Grinzing chăng? Từ “heuriger” trong tiếng Đức có nghĩa là rượu “vang mới”. Những quán heuriger là nơi bán rượu do làng tự sản xuất, thường là rượu vang mới ít năm tuổi, đi kèm đồ nhắm đơn giản và biểu diễn nhạc sống truyền thống Áo. Ngày nay, những “heuriger” tại Grinzing đã to đẹp hơn rất nhiều những quán rượu đơn giản xây quanh những rượu nho trước kia, đa phần như một biêt thực lớn vùng thôn quê, có khu vườn rộng dưới những tán cây lớn sẽ ngồi rất thích vào những ngày hè. Nhâm nhi một ly vang trắng ít năm tuổi, vị đơn giản thôi nhưng dễ uống, với một khay đồ nguội ăn kèm bánh mì đen, cái kết của một chuyến đi như thế có được không nhỉ? Muốn đến Grinzing, từ trung tâm Vienna, tới bến U-Bahn (tàu điện ngầm) Schottentor rồi bắt tàu điện số #38 và xuống ở bến cuối cùng. Nếu muốn ngắm các ruộng nho và Vienna từ trên cao mà không cần đi bộ nhiều lắm, có thể đến chỗ giao nhau giữa hai phố Schreiberweg và Krapfenwaldgasse ( toạ độ GPS 48.261770, 16.339029)
Kinh nghiệm di chuyển đến Vienna khi du lịch tự túc
- Bằng máy bay : Sân bay chính của thành phố mang tên Vienna International Airport – “Flughafen Wien-Schwechat” (mã IATA : VIE), nằm trên địa phận của làng Schwechat, cách trung tâm Wien tầm 20 km về phía Đông. Ngoài ra, sân bay Bratislava Milan Rastislav Štefánik Airport (mã IATA : BTS) của thủ đô Bratislava, Slovakia chỉ cách Vienna có 60 km. Các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair sử dụng sân bay này.
- Sân bay Flughafen Wien-Schwechat (mã IATA : VIE) :
Sân bay chính của Vienna mang tên Flughafen Wien-Schwechat, nằm trên địa phận của làng Schwechat, cách trung tâm thành phố tầm 20 km về phía Đông. Tiện nhất là dùng các phương tiện đường sắt để về thành phố:- Bằng tàu S-Bahn S7 : Có lẽ là cách tiện và rẻ nhất nối sân bay với thành phố. Thường thì nửa tiếng có một chuyến, hành trình kéo dài tầm 25 phút. Tàu chạy từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm chiều từ sân bay về thành phố, từ 4 rưỡi sáng đến 11 rưỡi đêm chiều ngược lại. Có thể đổi sang tàu điện ngầm
tại bến Wien Mitte Landstraße, các tàu
tại bến Praterstern và tàu
tại bến Handelskai. Giá vé khoảng 4€ một lượt (giá năm 2016). Nếu bạn đã mua vé ngày ở Vienna, thì chỉ phải mua thêm vé cho quãng đường đi ở vùng ngoài ngoại ô giá 1,7 €.
- Bằng tàu CAT (City Airport Train) : tiện nhưng không lợi. Đây là loại tàu tốc hành nối sân bay với thành phố. Đi đúng với tuyến đường của tàu S7, và thả khách ở ga
Wien Mitte Landstraße. Do chạy thẳng một mạch và không đỗ ở bến nào suốt dọc đường, nên thường chỉ mất 15 phút để về đến trung tâm thành phố, nhưng giá vé đắt hơn nhiều: 12 € vé một chiều và 19 € vé hai chiều (giá năm 2016). Nếu mua online trước có được giảm giá. Có cái tiện nữa là nếu bạn bay một hãng thuộc liên minh Star Alliance hay hãng Air Berlin/Niki thì có thể làm thủ tục check-in và cân đồ tại ga Wien Mitte Landstraße thay vì tại sân bay. Như thế nếu người nào có chuyến bay muộn, muốn gửi hành lý trước rồi thảnh thơi chơi thêm tại thành phố thì có phương án này. Cứ nửa tiếng có một chuyến.
- Đi tàu hoả đường dài: nhiều chuyến tàu hoả đường dài (đi Linz, Salzburg và các tàu ICE đi Đức) khi tới Wien đỗ cả ở các ga trong trung tâm (các ga Südtiroler Platz-Hauptbahnhof trên đường
và ga Bahnhof Meidling trên đường
) và sân bay. Mất khoảng 18 phút để đi từ sân bay về hai ga này. Giá vé một lượt là 3.9 € (giá năm 2016), đã bao gồm cả vé tàu điện ngầm U-bahn chuyển tiếp trong thành phố.
Cách chúng tôi đã chọn:Chúng tôi đã chọn đi tàu đi tàu S-Bahn S7 từ sân bay về thành phố. Chậm hơn tàu CAT một tẹo (chậm hơn 10 phút). Nhưng bù lại tiết kiệm được 2/3 tiền mỗi người, 4€ thay vì 12€.
- Bằng tàu S-Bahn S7 : Có lẽ là cách tiện và rẻ nhất nối sân bay với thành phố. Thường thì nửa tiếng có một chuyến, hành trình kéo dài tầm 25 phút. Tàu chạy từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm chiều từ sân bay về thành phố, từ 4 rưỡi sáng đến 11 rưỡi đêm chiều ngược lại. Có thể đổi sang tàu điện ngầm
Sân bay Bratislava (mã IATA : BTS) :
Sân bay Bratislava Milan Rastislav Štefánik Airport (mã IATA : BTS) của thủ đô Bratislava, Slovakia chỉ cách Vienna có 60 km và hơn một tiếng đi bus. Các hãng hàng không giá rẻ như Ryannair sử dụng sân bay này. Là một cách hay để tìm chuyến bay tới Vienna với giá hợp lý, mà có thể kết hợp thêm một điểm đến nữa trong chuyến đi.- Bus của Flixbus – Website. Trung bình khoảng một tiếng có một chuyến. Nối sân bay với Ga xe khách quốc tế Vienna ở bến
Erdberg. Tuỳ xem có phải giờ cao điểm hay không mà hành trình kéo dài từ 1 tiếng 15 phút đến 2 tiếng một lượt. Giá vé tầm 5€ đến 7.5€ một lượt (giá năm 2016), và mua trước trên mạng.
- Đi tàu hoả – Từ sân bay Bratislava có thể đi xe bus số #61 về đến ga trung tâm Bratislava, từ đây bắt tàu đi Wien. Giá vé bus là 0.9€ một lượt (giá năm 2016) còn vé tàu tầm 13€/2 chiều. Hành trình kéo dài tầm 2 tiếng.
- Bus của Flixbus – Website. Trung bình khoảng một tiếng có một chuyến. Nối sân bay với Ga xe khách quốc tế Vienna ở bến
- Sân bay Flughafen Wien-Schwechat (mã IATA : VIE) :
- Bằng tàu hoả :
Hãng đường sắt quốc gia Áo là hãng Österreichische Bundesbahnen – ÖBB (www.oebb.at). Vienna có ba nhà ga chính:- Ga “Wien Hauptbahnhof” nối với bến U-Bahn
Südtiroler Platz-Hauptbahnhof
- Ga “Wien Meidling” nối với bến U-Bahn cùng tên trên đường
- Ga “Wien Westbahnhof”, nằm trên bến U-Bahn cùng tên trên các đường
. Hãng tàu tư nhân WESTbahn (westbahn.at) khai thác một số chuyến từ ga đi Salzburg (hướng qua Hallstatt) và giá vé không khuyến mại thường rẻ hơn vé của ÖBB.
Có thể tham khảo thời gian di chuyển bằng tàu hoả từ Vienna đi một số điểm đến khác :
- Ga “Wien Hauptbahnhof” nối với bến U-Bahn
- Bằng xe bus :
Nhà ga xe khách chính của thành phố – “Vienna International Busterminal” (VIB) nằm ở cạnh ga tàu điện ngầmErdberg. Ngoài ra, hãng Student Agency (www.studentagencybus.com) còn đón trả khách tại bến “Busterminal Stadioncenter, Engerthstraße” (địa chỉ Engerthstraße 242-244, 1020 Wien) – nằm gần bến
Stadion.
Có thể tham khảo thời gian di chuyển bằng xe bus từ Vienna đi một số điểm đến khác tại Trung Âu:
- Blablacar : Với hành trình Vienna-Bratislava hay Vienna-Budapest là khoảng cách lý tưởng để dùng dịch vụ ‘đi xe chung’ Blablacar, nhất là nếu bạn mua vé sát ngày hoặc không muốn mua vé sớm. Thời gian đi xe auto va đi tàu không khác xa nhau lắm, có rất nhiều xe chạy trên tuyến đường này. Chúng tôi đi Blablacar từ Wien sang Budapest, đặt xe ba ngày trước khi đi, giá Blablacar cho tuyến đường này trung bình khoảng 15€/người.
Trong thời gian chúng tôi tham quan du lịch Vienna, Google Map chưa có data để tính đường khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Tại Áo, nên dùng app ÖBB Scotty để tính toán quãng đường đi cũng như thông báo thời gian chạy xe của các phương tiện công cộng rất thuận tiện và chính xác.

Vienna chụp từ công viên Prater
Kinh nghiệm đi lại khi du lịch Vienna
Hệ thống giao thông công cộng khi đi du lịch Vienna thuận tiện, an toàn, và rất sạch sẽ. Hệ thống bao gồm 5 tuyến tàu điện ngầm U-bahn, tàu điện nổi, bus, và tàu hoả S-bahn. Hãng Wiener Linien (www.wienerlinien.at) quản lý hệ thống. Về vé giao thông đi lại có thể chia ra làm nhiều loại chính sau (giá năm 2016) :
- Vé một lượt – giá 2.2 €
- Vé 24 giờ, tính từ lần đầu bấm vé – giá 7.6 €
- Vé 48 giờ, tính từ lần đầu bấm vé – giá 13.3 €
- Vé 72 giờ, tính từ lần đầu bấm vé – giá 16.5 €
- Vé tuần – Không kể bạn mua thứ mấy, vé chỉ có giá trị từ thứ hai đến hết chủ nhật hàng tuần- giá 16.3 €
Bằng xe đạp: một cách di chuyển xanh, sạch, khoẻ khi tới du lịch Vienna, nếu điều kiện thời tiết cho phép. Wien là một thành phố có địa hình bằng phẳng, và có một hệ thống hơn 1200 km đường chỉ dành riêng cho người đi xe đạp. Từ trung tâm đạp ra đến tận lâu đài Schönbrunn cũng chỉ mất tầm nửa tiếng. Thành phố có hệ thống cho thuê xe đạp WienMobil Rad (www.wienerlinien.at/wienmobil/rad) với giá 0.6€/30 phút hay 14.9€/ngày. Có thể tải một số app sau cho iOS và Android để biết được địa điểm để lấy và trả xe.

Hofburg
Quán ngon tại Vienna
Vienna vốn là thủ đô của Đế quốc Áo-Hung, một đế chế mà vào thời cực thịnh của mình, đã là bá chủ của của gần như mọi dân tộc Trung-Nam đến Đông Âu. Bản sắc Vienna, ẩm thực Vienna là một tập hợp đa văn hoá vô cùng đa dạng. Trong gần như mọi quán ăn tại Vienna, ta có thể gọi một suất Wiener Schnitzel – thịt bê tẩm bột rán nóng sốt, ăn đúng vị thì gọi kèm với salad khoai tây trộn hành và một vại bia lớn, như ở bao thành thị Đức. Schnitzel cũng hao hao món bê tẩm bột rán kiểu Milan. Cũng chẳng mấy khó khăn để kiếm được một quán có bán súp Gulash Hungary, hay súp bò hầm Tafelspitz. Giống văn hoá Đức và Tiệp, tại Vienna cũng có thể uống bia tươi nhắm cùng chân giò muối bỏ lò. Quanh thành phố gồm những đồi trồng nho làm rượu, mùa hè và thu, chẳng có gì thích bằng lên đó uống rượu vang của năm mới, và kèm một địa đồ nguồi ăn cùng bánh mì đen. Nhưng điều tôi thích nhất là được ăn xúc xích nướng trên một trong những ki-ốt bán xúc xích trên vỉa hè “Würstelstand” đặc trưng. Những tiệm “Würstelstand” đã thành một trong những nét văn hoá đặc trưng của Vienna, thường được mở bán liên tục tờ sáng sớm đến tờ mờ sáng ngày hôm sau, nơi ta có thể bắt gặp tất cả các tầng lớp xã hội người dân Wien, từ ông giám đốc complet cravate vào ăn, cho đến chàng sinh viên thường viêm màng túi, một bà mệnh phụ nước hoa thơm lừng quần áo sang trọng, cho đến các lữ khách qua đường như chúng tôi.
- Würstelstand bei der Albertina Via Condotti 86, Rome +43 1 5331026 Website Tripadvisor. Tiệm Würstelstand của hãng Bitzinger nằm tại quảng trường ngay cạnh bảo tàng Albertina có thể cạnh tranh danh hiệu quán bán xúc-xích nướng ngon nhất Vienna. Tôi khó có thể nào quên mùi vị của cây xúc xích pho mai – “käsekrainer” của tiệm, thơm ngậy nhưng không béo, đậm vị nhưng không đến nỗi mặn, ăn kèm với mù-tạt ở Wien thơm nhẹ chứ không cay nồng, một ly bia chanh (“Radler”) của hãng Stiegl, những ai muốn thêm gia vị, mua một quả dưa chuột hay thêm quả ớt ngâm dấm chua, dưới 5 € đã có một bữa ngon miệng và chắc dạ. Tiệm mở cửa liên tục từ từ 10h sáng ngày hôm trước cho đến tầm 5h sáng ngày hôm sau.
- Würstelstand am Hohen Markt Quảng trường Hohen Markt, Wien +43 699 18462186 Tripadvisor. Một tiệm Würstelstand khác rất nổi ở trung tâm thành phố, trên quảng trường Hohen Markt. Về đánh giá cá nhân, tôi thích tiệm ở bảo tàng Albertina hơn. Ở đây ăn xúc xích vẫn bị mặn và nướng hơi cháy quá.
- Schnitzelwirt Neubaugasse 52, Wien 1070 – tàu
#49, bến Neubaugasse +43 1 5233771 Website Tripadvisor. Tuy không nằm trong khu trung tâm, nhưng đây là một địa chỉ khiến tôi vô cùng hài lòng để khám phá ẩm thực bình dân khi du lịch Vienna. Đồ ăn đơn giản nhưng ngon, rẻ và đặc biệt vô cùng đầy đặn. Một xuất Wiener Schnitzel của cửa tiệm giá 7€ được hai miếng to đúng. Hai người ăn chung một suất chắc vẫn no.
- Salm Bräu Rennweg 8, 1030 Wien – tàu
#71, bến Unteres Belvedere +43 1 7995992 Website Tripadvisor. Như tất cả các thành phố mang ảnh hưởng của văn hoá Đức-Germanic, Wien cũng có quán bia tươi, nấu tại chỗ, uống rất được, và đồ nhắm giá cả chấp nhận được. Quán trang trí và phục vụ đậm chất Áo. Nên thử món chân giò bỏ lò của tiệm. Hơi ồn ào và đông khách du lịch.
- Heuriger Rudolfshof Cobenzlgasse 8 | Grinzing, Grinzing 1190 – tàu
#38, bến Grinzing +43 1 32021080 Tripadvisor.Ngay vùng ngoại vi Vienna là những triền đồi hướng Nam thuộc hệ thống hoành sơn của dãy Anpơ, một địa hình không thể tuyệt hơn để trồng nho làm rượu. Vào dịp hè hay đầu thu, khi cuối chiều, thật thích nếu được lên đây ngắm hoàng hôn đang dần buông xuống thành phố từ những ruộng nho, rồi ăn tối tại một trong các quán “Heuriger” truyền thống, có tiếng nhất là tại làng Grinzing. Từ “heuriger” trong tiếng Đức có nghĩa là rượu “vang mới”. Những quán heuriger là nơi bán rượu do làng tự sản xuất, thường là rượu vang mới ít năm tuổi, đi kèm đồ nhắm đơn giản và biểu diễn nhạc sống là nhạc truyền thống Áo. Ngày nay, những “heuriger” tại Grinzing đã to đẹp hơn rất nhiều những quán rượu đơn giản xây quanh những rượu nho trước kia, đa phần như một biêt thực lớn vùng thôn quê, có khu vườn rộng dưới những tán cây lớn sẽ ngồi rất thích vào những ngày hè. Nhâm nhi một ly vang trắng ít năm tuổi, vị đơn giản thôi nhưng dễ uống, với một khay đồ nguội ăn kèm bánh mì đen. Heuriger Rudolfshof là một trong số đó,nằm ở vị trí trung tâm làng, đồ ăn và rượu được, đông khách du lịch nhưng không đến nỗi chặt chém, tầm 15€ một người cả rượu.

Quán Würstelstand bei der Albertina
Có một cách để ăn ngoài đường nữa rất rẻ và rất sinh viên khi đi du lịch Vienna. Đó là vào các siêu thị nhỏ gần như có mặt ở mỗi góc phố (Spar hay Billa chẳng hạn), vào quầy đồ nguội và bảo họ kẹp cho một cái bánh mì tròn “Kaisersemmel”, cùng với loại thịt nguội, phô-mai, rau hay dưa chuột muối mà bạn muốn. Tất cả thịt nguội và pho mát mua theo số cân, tuỳ vào lượng nhân mà bạn muốn kẹp vào, mỗi chiếc bánh có giá từ hơn 1€ đến đưới 4€. Mình chỉ trả tiền nguyên liệu, còn không mất tiền phí phục vụ, công kẹp bánh. Mỗi chiếc bánh có kích cỡ na ná như một chiếc hamburger, thanh niên ăn một cái đủ dằn bụng, hai cái tương đối đủ no. Có thể ăn món này gần như mọi lúc trong ngày.
Quán kem và quán cà-phê :
Văn hoá cà-phê Vienna – “Wiener Kaffeehauskultur” đã được xếp hạng Di sản Văn hoá phi vật thể của UNESCO từ năm 2011. Bước vào những quán cà-phê tại thành Vienne, ta như bước vào một cỗ máy thời gian về thế kỷ trước… tiếng vó ngựa lộp cộp trên những con đường lát đá ngoài cửa, tiếng vĩ cầm mỗi góc phố khi chiều về; hay những quán cà-phê trăm tuổi, ghế nỉ đã sờn, người phục vụ thắt nơ con bướm… Người dân Vienna đi uống cà-phê không đơn thuần phục vụ cho nhu cầu giải khát. Chỉ cần một ly cà-phê, họ có thể ở hàng giờ tại quán, đọc hết cả sáng những nhật báo trong ngày. Mỗi một quán đều có một quầy báo cho khách lấy đọc. Các quán cà-phê là những không gian cho hoạt động nghệ thuật. Trên những bức tường ám màu thời gian, thường như gallery dân hội hoạ trưng bày tác phẩm. Giới văn học dùng quán làm nơi hẹn hò, tranh luận, sáng tác. Nhiều quán cũng tổ chức những buổi hoà nhạc nhỏ cuối chiều. Có thể kế đến một số quán nổi nhất:
- Café Bräunerhof Stallburggasse 2, 1010 Wien
- Café Central Herrengasse 14, 1010 Wien
- Demel Kohlmarkt 14, 1010 Wien. Trước là tiệm bánh hoàng gia, cung cấp cho hoàng cung Áo.
- Café Hawelka Dorotheergasse 6, 1010 Wien
- Café Prückel Stubenring 24, 1010 Wien
- Café Sacher Philharmoniker Str. 4, 1010 Wien. Nơi đầu tiên chế biến ra loại bánh Sachertorte trứ danh.
Trong dịp này tại Vienna, bọn tôi chọn quán Café Bräunerhof, hơi ít tiếng tăm hơn các quán khác, nhưng chính vì vậy ít khách du lịch và đông dân địa phương hơn.
- Zanoni & Zanoni Lugeck 7, Wien 1010 +43 1 5127979 Website Tripadvisor. Tiệm bán kem Ý và bánh ngọt (“Gelateria & Pasticceria”) lớn nhất khu trung tâm Vienna, rất nhiều vị kem và nhiều loại bánh để lựa chọn. Giá cả phải chăng, tất nhiên là không thể bì được với kem Ý gốc, nhưng chất lượng chấp nhận được.

Hofburg
Âm nhạc tại Vienna :
Vienna là kinh đô của âm nhạc cổ điển, nơi thành nhân hay thành danh của những tên tuổi Mozart, Haydn, Schubert, Strauss… Hình ảnh Vienna như một giai điệu nhạc giao hưởng: hài hoà, sâu lắng, lãng mạn, du dương, nhiều tầng lớp, có nốt trầm có nốt bổng, trong nét thanh bình cũng có những cao trào mạnh mẽ. Khó có thể nói chuyến đi Vienna đã trọn vẹn nếu không đi thưởng thức một buổi hoà nhạc, hay một buổi opera trong thành phố. Nếu bạn hứng thú, ta có thể đặt mua online qua trang web www.viennaticketoffice.com để đi nghe một buổi hoà nhạc hay opera tại một trong những nhà hát lớn. Những buổi công diễn hay, vé thường được bán hết rất sớm.
Có một cách mua vé nghe nhạc giao hưởng hay opera giá rẻ với các bạn có ngân sách “du lịch phượt”, đó là mua vé đứng (“stehplätze“). Vé đứng thường được bán từ một tiếng đến một tiếng rưỡi trước mỗi vở trình diễn. Tất nhiên đứng suốt cả một buổi hoà nhạc thì cũng tương đối mệt, nhưng giá vé chỉ bằng tầm 1/10 hạng vé ngồi rẻ nhất, tầm từ 3 đến 5 € tuỳ vào chương trình. Tại rạp Opera quốc gia – “Wiener Staatsoper”, quầy bán vé đứng “stehplätze” ở ngay mái vòm ở cửa của nhà hát, đối diện với quầy bán vé chính. Ngay cả không đam mê, được tận hưởng cái không khí của rạp Wiener Staatsoper cũng đã là một kỷ niệm khó thể nào quên.
- Wiener Staatsoper Opernring 2, 1010 Wien Website.
bến Karlsplatz
các tàu #1-#2-#62-#71-D, bến Kärntner Ring-Oper.
Người Vienna khi đi nghe hoà nhạc thường ăn mặc khá đẹp. Nam mặc vest và nữ mang đầm. Ta nếu đi cũng nên để ý trang phục chút xíu cho đừng quá lệch tông.
Cảm ơn trang homestay Chit Fun (https://www.facebook.com/chitfun/) đã giúp chúng tôi có thêm thông tin tham khảo để chuẩn bị cho chuyến đi này.