Vì nhiều lý do, nếu bạn có thể, thuê xe tự lái đi du lịch Hoa Kỳ làm phương tiện đi lại có nhiều ưu điểm.

  • Thứ nhất, là giá xăng và phí cầu đường ở Mỹ VÔ CÙNG RẺ. Tôi không biết phải nói thế nào cho chính xác, nhưng người Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung có một “văn hoá xe hơi”. Việc sử dụng xe hơi làm phương tiện di chuyển chính nếu có điều kiện đã như một điều tất yếu. Việc thi bằng lái ở một số bang là rất dễ và rất rẻ. Ai rồi cũng phải có bằng lái. Hoa Kỳ là nhà nước liên bang, họ không có một “thẻ chứng minh thư” cho công dân Mỹ, bằng lái của mỗi người được dùng làm nhiệm vụ này. Hoa Kỳ cũng là một đất nước vô cùng rộng lớn, từ bờ Đông sang bờ Tây đã tròm trèm 5000 cây số, gần bằng khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương, hay bằng non nửa khoảng cách từ Viễn Đông Châu Á tới Tây Âu rồi. Để đảm bảo cho dân Mỹ có thể tự do thoải mái di chuyển trong lãnh thổ rộng lớn cùa mình như một quyền lợi tất yếu, chắc chắn nhà nước Mỹ không dùng thuế xăng và thuế cầu đường để làm nguồn thu cho ngân sách; ngoài ra, Mỹ còn là một nhà khai thác dầu thô lớn nữa để giá xăng có thể rẻ đến thế so với Tây Âu. Xăng ở Mỹ dùng đơn vị gallon để bơm xăng (một gallon tương đương 3,785 lít). Một gallon bán ở bờ Đông khi tôi sang trung bình khoảng 2,4 USD – tức khoảng ~60 cents/một lít. Phí cầu đường đi đường cao tốc, trong chuyến chúng tôi đi, khoảng 2000 cây số, mất tầm 60-70 USD.
  • Nước Mỹ không có một hệ thống đường sắt dày đặc như ở châu Âu, và không có hệ thống tàu cao tốc. Giá vé xe lửa thì cũng tương đối đắt. Khi di chuyển ở những khoảng cách trung bình, quá gần để đi máy bay, thì chỉ còn hai phương tiện để lựa chon là tự đi xe hay đi xe bus.
  • Ngược lại, hệ thống đường cao tốc của Mỹ rất phát triển, không hiếm để thấy những quãng đường cao tốc có từ tới 6-8 làn xe mỗi bên. Hệ thống đường cao tốc của Mỹ phát triển đến một tầm mà nhiều khi phải dùng từ quá mức, khiến theo cảm nhận của tôi có những cái cũng chưa phải là hay. Những đường cao tốc xộc tận vào trung tâm thành phố, bám theo những mặt nước, phá vỡ cảnh quan nhiều khu trung tâm.
  • Thuê xe ở Mỹ là rất đơn giản. Có rất nhiều hãng lớn có văn phòng phủ rộng khắp mọi nơi. Lớn nhất hay được liệt kê là bộ ba Avis, Hertz và Alamo; ngoài ra còn có Budget, Dollar, Thriffty, Enterprise… Thủ tục thì phải nói là được đơn giản hoá tối đa. Có thể do văn hoá kinh doanh Mỹ, giản lược mọi thủ tục hành chính để kích cầu kinh doanh. Chẳng cần bằng quốc tế, tôi có cảm nhận họ chỉ cần một cái thẻ trông giống cái bằng lái là OK. Tôi thuê xe bằng bằng lái Pháp không dịch. Họ cầm lấy, ghi lại số chứ cũng không photocopy lại gì cả. Cùng với thẻ tín dụng của mình là OK.
  • Không thể phủ nhận, chẳng có cách nào đi du lịch chủ động bằng việc có xe. Và đi road-trip tại Mỹ luôn nằm trong những giấc mơ muốn thực hiện của mọi phượt thủ..

Sau khi tham khảo tương đối nhiều nguồn (sách hướng dẫn, forum du lịch, blog vân vân…), cũng như kinh nghiệm cá nhân, đặt xe từ nhà trước khi đi thì thường là rẻ hơn là đến nơi rồi ra các văn phòng thuê xe trực tiếp. Vì nhiều lý do (đang ở châu Âu), và sau khi mất vài buổi tham khảo, tôi nghiêng về thuê xe qua hai hãng Avis và Hertz vốn là những hãng có độ phủ tương đối toàn cầu. Hay ít nhất là ở châu Âu hai hãng này đều có mặt ở nhiều nước. Có thể đặt xe qua các công ty con của hãng tại châu Âu, chịu sự quản lý của luật chung trong liên minh EU, có vài điều luật bảo vệ người tiêu dùng tương đối hữu ích. Trong dịp này, tôi cũng trải nghiệm cách tiêu thụ như một công dân thế giới thời toàn cầu hoá và có ghi lại một vài kinh nghiệm.

  Công dân thời toàn cầu hoá

Như đã viết ở trên, trong dịp này, mình đã có trải nghiệm như một công dân thời toàn cầu hoá. Như tất cả chúng ta đã biết, cùng một mặt hàng, bán ở cùng một hãng tại những quốc gia khác nhau, ví dụ cùng một sản phẩm X bán trên Amazon Pháp, Amazon Mỹ, Amazon Đức, Amazon Tây Ban Nha với những mức giá khác nhau. Mức giá khác nhau thì có thể do nhiều lý do. Mặt hàng đó ở mỗi quốc gia có những mức thuế khác nhau, đã chịu những tri phí khác nhau (vận chuyển, kho bãi, nhân công…), chiến lược kinh doanh mặt hàng đó ở mỗi quốc gia lại khác nhau v.v.

Về lý thuyết là thế, nhưng mua hàng ở một quốc gia khác nơi mà mình đang sống có thể phải chịu thêm một số phí và rủi ro khác: Phải thêm phí vận chuyển đắt hơn. Có thể phải trả thêm phí hải quan. Khi cần bảo hành phải làm thế nào? Cùng một mặt hàng, nhưng khi sản xuất cho những thị trường khác nhau, lại có xuất xứ và chất lượng khác nhau? Và sau cùng cũng có thể đặt thêm vấn đề về môi trường, việc một thứ ta có thể mua ngay cạnh nhà, nhưng để tiết kiệm, nhiều thì không nói làm gì, nhưng chỉ tí tiền thôi mà ship về từ đầu kia thế giới thì cũng không góp phần cho thế giới xanh và sạch hơn nhiều lắm.

Quay lại chuyện của chúng ta. Ở đây sản phẩm mà tôi muốn mua là dịch vụ thuê xe tại Hoa Kỳ. Thì tôi có đặt qua công ty Avis ở Pháp hay ở Mỹ, thì sản phẩm cuối cùng mà tôi dùng cũng như nhau. Đây là một dịch vụ nên tất nhiên chẳng có phí ship hay phí hải quan nào cả. Điều duy nhất là tôi có thể giúp công ty đó tối ưu thuế vì sẽ đóng khoản thuế dịch vụ của tôi tại quốc gia nào.

Nếu theo một logic thường nhất, tôi ở Pháp, tôi muốn thuê xe qua hãng Avis cho một hành trình ở Mỹ, tất nhiên nếu Google cũng vậy thôi, tôi sẽ vào trang Avis Pháp (www.avis.fr) hay Avis Mỹ (www.avis.com). Đây sẽ là hai trang Avis hiện lên đầu tiên trên kết quả Google cuả tôi. Các phẩm mềm trí tuệ nhân tạo AI làm giá pricing cho các hãng chắc cũng hiểu điều này, nên giá của hai trang này là khác nhau và… không phải là chỗ rẻ nhất.


Giá xe trên trang Avis Pháp – Xe hạng thấp nhất thuê 7 ngày từ North Bergen, New Jersey đi Sân bay Philadelphia là 270 €.


Giá cùng loại xe cho cùng hành trình ở Avis Mỹ là 384.99 $ (chuyển ra khoảng 352 €)

Điều đầu tiên thấy hơi giật mình, vì xe thuê ở Pháp rẻ hơn ở Mỹ tương đối nhiều. Càng ngạc nhiên hơn khi giá thuê ở Mỹ thường là giá chưa thuế (vì thuế ở mỗi bang khác nhau) và chưa thêm các dịch vụ hay bảo hiểm khác. Một số lợi thế khi thuê xe từ châu Âu thay vì thuê trực tiếp trên trang Avis Mỹ:

  • Giá ở các trang web châu Âu thường đã bao gồm thuế, trong khi giá ở các trang web Mỹ thường chưa thuế, vì thuế ở mỗi bang là khác nhau.
  • Giá ở các trang web châu Âu thường đã bao gồm hai loại bảo hiểm cơ bản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (LI – Liability Insurance) và bảo hiêm thân vỏ xe CDW (Collision Damage Waiver) hay LDW (Loss Damage Waiver). Phải check lại kỹ khi đặt xe qua một trang web Mỹ. Theo một số phản ánh, người Mỹ thường có sẵn bảo hiểm của họ, nên các hãng xe không tự động thêm các bảo hiểm trong gói báo giá đầu tiên. Nên mua thêm cả bảo hiểm trách nhiêm dân sự bổ sung (LIS – Liability Insurance Suplement). Bảo hiểm trách nhiệm dân sự LI gói cơ bản thường chỉ giới hạn đến tối đa 5.000 $ khi xảy ra vấn đề, sẽ không đủ vì phí luật sư ở Mỹ rất đắt. Bảo hiệm LIS bổ sung có mức trần lên đến 1 triệu $.
  • Trong chuyến đi vừa rồi, đặt xe qua trang Avis Ireland, có một số điểm tôi rất hài lòng. Giá cả hợp lý và khá đầy đủ ở gói thấp nhất. Số kilômet không giới hạn (Unlimited miles), không mất phí khi trả xe ở điểm khác điểm lấy xe (one-way fee – drop-off fee), và được thêm người lái phụ miễn phí.
  • Với tôi là người dùng thẻ tiêu euro. Đặt từ một trang web dùng đồng tiên chung châu Âu sẽ không mất thêm phí và bị một tỉ giá không có lợi của ngân hàng.

Tiện thể search, mình làm luôn một vòng các trang Avis của vài nước châu Âu khác, và thấy trừ ở Đức ra, thì ở đâu cũng đều thuê được rẻ hơn ở Mỹ và… Pháp.

Loại xe Avis Pháp
(avis.fr)
Avis Mỹ
(avis.com)
Avis Ireland
(avis.ie)
GBR Avis UK
(avis.co.uk)
Avis Đức
(avis.de)
Avis TBN
(avis.es)
Avis Ý
(link)
Ford Focus 270€ 384.99$ (352€) 239€ 207£ (233€) 313€ 243€ 243€


Giá xe ở Avis Ireland là 239€

Giá xe ở Avis UK là 207£ (233€)

Giá xe ở Avis Đức là 313€

Giá xe ở Avis Tây Ban Nha là 243€

Giá xe ở Avis Ý là 243€

  Đừng quên Google – mọi thứ đều có code voucher giảm giá

Trong các trang web được trả bằng €, tôi chọn Avis Ireland vì…giá thấp nhất 😜. Chỉ cần Google mất thêm vài phút, giá vẫn còn có thể rẻ hơn nữa. Tất cả các hãng đều thường xuyên có chương trình khuyến mãi. Chương trình khuyến mãi của Avis mang tên Avis Worldwide Discount (AWD), với Hertz mang tên Customer Discount Program (CDP). Không khó để tìm một mã giảm giá vẫn đang hoạt động. Trong chuyến đi của mình, bằng cách này tôi đã giảm thêm được 15% nữa.


Giá xe Full price


Giá xe squ khi áp dụng mã AWD. Giảm từ 239 € xuống 203.15€.

  Đặt xe qua các hãng trung gian?

Thường một kinh nghiệm được chia sẻ là có thể đặt qua những trang trung gian, giá có thể rẻ hơn. Do thứ nhất là họ so sánh được xe của tất cả các hãng, và có thể họ đã có được một deal rất tốt trực tiếp với các hãng thuê xe. Nhưng sau đó, cũng có nhiều kinh nghiệm chia sẻ lại là nếu giá cả không chênh lệch nhiều, thì đặt xe trực tiếp với các hãng thuê xe sẽ giảm được rất nhiều phiền phức. Mọi vấn đề phát sinh, thay đổi của chuyến đi, mà các chuyện này thì nhiều khả năng xảy ra, sẽ phức tạp hơn rất nhiều nếu cái gì cũng phải qua bên trung gian để giải quyết. Còn tôi thì vẫn chưa nghiên cứu ra cách nào để dùng các trang trung gian đặt xe rẻ mà hơn là đặT trực tiếp với hãng. Nổi tiếng nhất trong các trang broker đặt xe là rentalcars.com. Do cùng một chủ, nên ngày nay, các trang đặt khách sạn như booking.com, kayak.com hay expedia.com cũng đều có tính năng này. Tôi thử dùng rentalcars.com để đặt xe.


Giá xe trên rentalcars.com là 270€

Nếu so sánh với giá Avis Mỹ thì đúng là nó rẻ hơn nhiều.


Giá cùng loại xe cho cùng hành trình ở Avis Mỹ là 384.99 $ (chuyển ra khoảng 352 €)

Nhưng so với giá tốt nhất mà mình tìm được ở các trang Avis khác thì lại không bằng. Thế nên đây không phải là cách duy nhất để làm người tiêu dùng thông thái 😜.


Giá xe tại Avis Ireland sau khi có code giảm giá.

  Tránh thuê xe ở ga tàu – sân bay, khảo sát một vòng tất cả các văn phòng.

Dùng các trang trung gian đặt xe cũng có một cái lợi. Đó là có thể nhanh chóng so sánh giá cả giữa tất cả các văn phòng, các hãng thuê xe. Cơ bản nhất thì chỗ nào tiện thì tất nhiên sẽ không “lợi” về giá cả. Bước xuống sân bay, bước xuống tàu, có sẵn xe đi luôn thì tiện nhất, nhưng chắc chắn lấy xe ở những văn phòng trong sân bay bao giờ giá cũng cao nhất.

Trong chuyến đi lần này. Bọn tôi ở New York 5 ngày trước khi lấy xe đi dọc miền Đông Bắc nước Mỹ. Tôi chọn sang New Jersey lấy xe, tiện đường ra cao tốc thoát nhanh ra khỏi New York. Lấy xe trong Manhattan rồi không quen đường xá lái ra còn tội hơn. Còn gần xa so với phương tiện công cộng thì không quá quan trọng. Bắt Uber rất nhanh và nhiều. Mất thêm 10-15 $ vẫn rẻ hơn rất nhiều là lấy xe trong trung tâm thành phố.

  Vài kinh nghiệm khác

  • Việc nhận hay trả xe ở Mỹ tôi quan sát thấy tương đối đơn giản so với ở châu Âu. Khi trả xe, cũng chẳng cần kí tá biên bản gì cả, cứ đánh xe vào bãi, để chìa khoá trong xe là OK. Chính vì vậy, mọi thứ mình nên giữ bằng chứng. Chụp lại tình trạng xe khi nhận và trả xe. Xe có bất kì vết xước nào cũng phải ghi vào biên bản nhận xe. Chụp lại đồng hồ kilômét, đồng hồ bình xăng lúc trả xe để chứng minh mình có đổ đầy bình. Trong chuyến đi lần này, khi về đến nhà, chúng tôi bị trừ thêm 100 $ vì bị ghi không đổ xăng dù mình đã đổ đầy bình ngay trước khi trả xe có 5 phút. Mình có gửi ảnh bằng chứng thì được hoàn tiền lại ngay. Nên mọi thủ tục được đơn giản hoá không có nghĩa là mình không cẩn thận về phần mình.
  • Khi complain, dùng các mạng xã hội là hiệu quả nhất. Viết mail vào địa chỉ của bộ phận chăm sóc khách hàng thì bặt vô âm tín. Gọi điện thì trả lời chung chung. Nhưng bọn tôi lên trang facebook của Avis viết một comment thì thấy vô cùng hiệu quả. Đúng là có ngàn mắt ngàn tay của cư dân mạng cùng giám sát là kênh thông tin hiệu quả nhất.
  • Phí cầu đường và xăng xe ở Mỹ rẻ, nhưng phí đỗ xe ở Mỹ là đắt. Nên lưu ý điều này khi đặt khách sạn, tìm hiểu các điểm của hành trình. Có thể dùng app PandaParking để tìm deal đỗ xe giá rẻ. Và ở nhiều bãi đỗ xe, bắt buộc phải dùng app PaybyPhone để trả tiền.

PayByPhone
PayByPhone
Price: Free