“Mùa buồn! Đôi mắt đắm say!
Yêu sao vẻ đẹp em ngày chia li
Héo tàn mà vẫn diệu kì
Rừng mang áo tía, rực khi Thu về
Ồn ào gió thở lạnh se
Màn sương sóng gợn phủ che khuôn trời
Rét đầu mùa, nắng hiếm hoi
Nàng Đông xa đã dọa đòi không gian.”

Thu vàng – Aleksandr Sergeevich Pushkin

Chẳng cần đi đến tận cùng của Trái đất để khám phá những vùng đất còn ẩn chứa biết bao bí mật. Sofia (София), thủ đô của nước Bulgaria nằm ở chân đỉnh Vitosha (Витоша) là một trong những vùng đất kinh kỳ ít được biết đến nhất châu Âu, chưa nằm trên những cung đường quen thuộc của các tuyến lữ hành, chính vì vậy mà người chưa nhiều hiểu biết như tôi đã lầm tưởng nó chẳng có gì đáng để ghé thăm cả.

Một cơ duyên khiến chúng tôi tình cờ được khám phá Sofia và Đông Âu đúng giữa mùa thu vàng, khi thiên nhiên thấm đẫm sự nhẹ nhàng. Sau khi vừa trở về từ chuyến đi Trung Âu qua BudapestVienna, chúng tôi không nghĩ mình lại lên đường sớm như vậy. Mẹ gọi điện báo có người bạn cũ người Bul mời bà sang dự một cuộc hội thảo được tổ chức tại thành phố quê hương ông, Sliven, một thành phố công nghiệp nặng đang từng bước hồi sinh sau khi tưởng như phải dần biến mất khi chủ nghĩa kế hoạch – bao cấp sụp đổ. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là hay chăng chẳng nên đi Bulgaria, có gì mà chơi, có gì mà xem? Tiện dịp này mà đi hai nước láng giềng: Quần đảo Cyclades ở Hy Lạp chăng (Santorini, Mykonos…), hay Istabul huyền thoại cũng chỉ cần thêm vài tiếng chạy xe nữa. Nhưng rồi mẹ nói thôi cứ thăm thú Bulgaria, không đi dịp này chắc sẽ chẳng bao giờ mới có dịp trở lại.

Sofia
Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky

Và cơ duyên này khiến tôi được biết đến mùa thu vàng Đông Âu, mùa dịu dàng không chỉ còn qua lời kể về thời thanh xuân đầy hoài bão của cha mẹ. Mùa thu vàng sao đẹp đến vậy, có phải chăng vì trong cái sự nhẹ tênh của nó ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Thu Hà Nội của tuổi thơ tôi nhẹ nhàng trong hương cốm mới và thoáng gió heo may. Còn thu Đông Âu, trong cái nhẹ tênh như làn mây tựa sương khói trên nền trời trong vắt kia, còn ẩn thấy sức sống mãnh liệt của núi rừng cây cỏ. Sự mãnh liệt vì vẻ đẹp của mùa thu là vẻ đẹp trong sự úa tàn. Cái đẹp thường mỏng manh e lệ. Nó chạy đua với thời gian để phát tiết hết biết bao nhiêu diễm lệ, rực rỡ, trước khi bước vào một kì ngủ đông mùa đông dài đầy khắc nghiệt. Thiên nhiên đã quá ưu đãi chúng tôi khi chuyến đi khám phá sắc thu lần này dưới thời tiết khô cong chứ không phải kèm những cơn mưa biến những tàn lá kia thành thứ mùn phủ ngập dùng cho mùa xuân mới. Thi thoảng, gió thoáng nhẹ như người nhạc trưởng gẩy tàn lá vàng chơi những ‘nốt nhạc’ rì rào, xào xạc.

Trong cái tiết thu như vậy, tôi đi khám phá Sofia, cửa ngõ của Bulgaria, nơi bạn thường bắt đầu hay kết thúc mỗi chuyến tham quan đất nước hoa hồng. Nơi cách Istabul chỉ còn vài giờ chạy xe nữa, Sofia như kinh đô cuối cùng của phương Tây, là điểm đến lý tưởng cho những ai thích cách du lịch chậm. Có thể chậm vì Sofia chưa nằm trên các cung đường quen thuộc của những tuyến lữ hành, ta không bị cuốn theo cùng nhịp đi ùn ùn của từng đoàn khách lớn. Có thể chậm vì Sofia nhiều không gian xanh quá, hít thở một hơi chậm và sâu hơn để tận hưởng món quà tuyệt vời nhất mà Trái đất mẹ ban tặng cho chúng ta; không khí – hơi thở báo hiệu cho sự sống. Đi chậm và ngạc nhiên quá, vì tản bộ trong khu trung tâm thành phố, thật khó hình dung đây là một đại đô thị 1,5 triệu dân, nơi tập trung hơn một phần tư dân số Bulgaria, nó yên bình đến kì lạ.

Sofia
Nhà thờ Nga tại Sofia – Ảnh: Vincent Rowell

Sofia cũng là thành phố khiến cho tôi chiêm nghiệm về những giá trị xưa nối vào nay, hay chính xác hơn là nay bồi đắp quanh những giá trị xưa. Người Bulgaria như không có thói quen bỏ đi những giá trị cũ. Lịch sử mỗi dân tộc đều có những khoảng bi hùng, bao can qua để thời cuộc đổi thay. Nhưng cái mới lên đều muốn kế thừa chứ không chỉ đập tan nát, xoá sổ hoàn toàn những giá trị cũ. Cuộc sống như một dòng chảy bất tận. Không thể ngăn dòng nước cuộc đời ngừng chảy. Đương nhiên cái mới phải sinh ra, phải vươn lên, cái cũ phải nhường chỗ. Măng thay tre. Con sông tiếp nhận những dòng suối. Nhưng cây măng chớ quên bụi tre đã ôm ấp che chở mình. Dòng sông hình thành sao được nếu không có những con suối gộp trong rừng sâu im vắng*. Dòng sông lớn sao được nếu chặn lại tất cả những dòng suối cũ. Sofia là một thủ đô như vậy, là nơi chỉ biết tiếp nhận chứ không gạt bỏ những giá trị thu nhập được trong lịch sử kết nối và giao thoa biết bao nền văn hoá. Cách nhau vài bước chân cùng lừng lững sát cạnh nhau những nhà thờ Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Thánh đường đạo Do thái. Cung vua của những vị Sa hoàng cũ cạnh nơi trước đây là Trụ sở của những người Cộng sản Bulgaria. Công trình tưởng niệm Hồng quân Liên xô vẫn còn đó, tôi hỏi thì chú Ivelin, người bạn của mẹ đi cùng trả lời: “Tại sao lại phải bỏ, chúng tôi ai chẳng là con cháu của những người đã xây dựng Chủ nghĩa Xã hội suốt 50 năm”. 500 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Ottomane Hồi giáo cũng như nửa thế kỷ Cộng sản Vô thần không làm biến mất Văn hoá Cơ đốc giáo Bulgaria, cũng như ngày nay, nền Dân chủ mới vẫn giữ lại những biểu tượng của 50 năm Xã hội chủ nghĩa. Trong sân của khách sạn 5***** Sheraton sang trọng nhất thành phố, vẫn tồn tại và còn mở cửa cho khách thập phương tham quan nhà thờ Thánh George (Ротонда “Свети Георги” – Church of St. George, Sofia), xây dựng từ thế kỷ thứ 5 sau CN thời Byzantine, một trong những công trình cổ nhất Sofia còn tồn tại.

Đến Bulgaria năm 2016, so với châu Âu, Bulgaria còn nghèo và kém phát triển. Với những ai mến sự hoài niệm của một thời kì cách đây chưa xa lắm, khi Thế giới còn chưa phẳng như ngày nay, giữa châu Âu còn một bức tường ngăn cách Đông và Tây; chẳng cần đi đến tận cùng Trái đất, đi đến Sofia thôi giúp ta như có thể lùi lại cỗ máy thời gian gần hai thập kỷ, hiện ra một thành phố Đông Âu đúng như ta tưởng tượng trong những thước phim đen trắng. Nhưng phải lên đường nhanh thôi, thời gian sẽ dần xoá nhoà hết kỉ niệm – dấu vết, trong tâm trí mỗi chúng ta, cũng như trên mỗi góc cạnh – con phố của thành phố này.

*Băng Sơn

Sofia
Ảnh: Melissa Maples

Đi những đâu ở Sofia:

Trước khi nước Bulgaria dành được Độc lập vào nửa cuối Thế kỷ 19, Sofia chỉ là một thành phố tỉnh lẻ nơi khoảng 12.000 dân cư ngụ. Điều này ký giải ký do vì sao những công trình cổ hơn còn tồn tại trong thành phố đều có tầm vóc tương đối khiêm tốn. Thành phố thực sự thoát xác khi trở thành thủ đô của nước Bulgaria non trẻ vào năm 1879. Khu trung tâm thành phố như ta biết ngày nay được định hình và quy hoạch từ ngày đó, với những công trình sao cho xứng tầm với vị thế kinh kì của vương quốc mới. Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky (Храм-паметник “Свети Александър Невски”) là công trình biểu tượng không chỉ cho mình Sofia mà còn cho cả toàn nước Bulgaria, như tháp Eiffel với Paris, hay đấu trường Colosseum ở thành Roma vậy. Nên lấy đây làm điểm xuất phát đầu tiên, tất cả các thắng cảnh khác ở khu trung tâm đều nằm trong khoảng cách đi bộ được.

  • Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky (Храм-паметник “Свети Александър Невски”) Wikipedia quảng trường pl. “Sveti Aleksandar Nevski” (“Свети Александър Невски”); Sofia Metro  M1  bến St. Kliment Ohridski/Sofia University (СУ “Св. Климент Охридски”). Như đã viết ở trên, nhà thờ là công trình biểu tượng không chỉ cho mình Sofia mà còn cho cả toàn nước Bulgaria. Công trình được xây dựng nhằm tưởng niệm những người lính Nga hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng Bulgaria năm 1877-1878. Được bắt đầu xây dựng vào năm 1882 nhưng mãi đến năm 1912 công trình mới được hoàn thành. Nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư Nga Alexander Pomerantsev, với sự tham gia của các nghệ nhân Bulgaria, Áo, Đức, Ý, Tiệp theo phong cách Tân Byzantine điển hình, tiêu biểu ở nước Nga trong thế kỷ 19. Cả trong và ngoài nhà thờ đều xứng đáng với tầm vóc của công trình mang tính biểu tượng cho một quốc gia. Được xây dựng trên khoảng đất cao nhất Sofia, người ta có thể thấy được những mái vòm dát vàng của nhà thờ từ đỉnh Vitosha (Витоша) hay gần như bất cứ nơi nào trong thành phố.
  • Sofia
    Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky – Ảnh: Piotr Krawiec

  • Nhà thờ thánh St. Sofia (църква „Света София“) Wikipedia quảng trường pl. “Sveti Aleksandar Nevski” (“Свети Александър Невски”); Sofia Metro  M1  bến St. Kliment Ohridski/Sofia University (СУ “Св. Климент Охридски”). Trước khi mang tên Sofia, thành phố được biết đến với nhiều tên gọi khác: Serdika, Sredets rồi Triadica. Phải đến thế kỷ thứ 14, tên Sofia mới được gọi, đặt theo tên nhà thờ thánh Sofia, công trình Công giáo cổ nhất thành phố được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 sau CN. Nằm ngay đối diện với nhà thờ St. Alexander Nevsky, nhà thờ St. Sofia có phong cách đối lập lại hoàn toàn, giản dị chỉ với những tường gạch trần đỏ au không trát.
  • Nhà thờ thánh St. Sedmochislenitsi (църква „Свети Седмочисленици“) Wikipedia số 25, phố Graf Ignatiev (ул. Граф Игнатиев 25). Từ quảng trường Sveti Aleksandar Nevski nơi đặt nhà thờ cùng tên, chúng tôi hướng về phía toà nhà Quốc hội (“Народно събрание на Република България”) nằm ở một góc mé của quảng trường, trước khi đi dọc con phố mang tên ul. “Tsar Shishman” (“Цар Шишман”). Phố “Tsar Shishman” là một nơi tôi vô cùng thích tại Sofia, khu vực tập trung rất nhiều những cửa hàng sách, những cửa tiệm bán đồ thủ công rất art và nhỏ xinh; cũng như những quán bar cải tạo trong những toà nhà và biệt thự cổ, kết hợp hoài niệm và hiện đại, tinh tế và đúng thời đại. Cuối con đường là nhà thờ Sedmochislenitsi, nằm giữa một khu vườn xinh, xanh và tĩnh lặng. Nó đặc biệt vì đây vốn là một nhà thờ Hồi giáo cũ, được những vị Sultan cho xây dựng để làm lu mờ toàn bộ những nhà thờ Công giáo trong thành phố này. Nó có một vẻ đẹp của sự Giao thoa giữa Đông và Tây. Nhà thờ từng được biến thành một nhà tù sau ngày Độc lập trước khi được cải tạo thành một Thánh đường Cơ đốc giáo.
  • Sofia
    Nhà thờ thánh St. Sedmochislenitsi – Ảnh: Melissa Maples

  • Chợ sách Slaveykov (Славейков) quảng trường Petko R. Slaveykov (Петко P. Славейков). Cách nhà thờ thánh thánh St. Sedmochislenitsi không xa lắm là chợ sách nằm trên quảng trường Petko R. Slaveykov. Khi bắt đầu mở cửa vào những năm 90, những người bán sách ngoại văn cũ bắt đầu nhóm họp tại quảng trường, ngay ngoài cửa Thư viện Thành phố, khi nhu cầu tìm hiểu văn hoá phương Tây không còn bị ngăn cấm. Cần bất cứ cuốn sách ngoại văn nào, chỉ cần đặt những người bán sách tại đây, họ sẽ lùng được cho bạn. Gần 30 năm sau ngày mở cửa, chợ vẫn tiếp tục hoạt động như một nét văn hoá của thủ đô Sofia.
  • Sofia
    Tượng hai cha con đại văn hào Slaveykov tại chợ sách cùng tên – Ảnh: Melissa Maples

  • Nhà hát Ivan Vazov (Народен театър „Иван Вазов“) Wikipedia số 5 phố Dyakon Ignatiy (“Дякон Игнатиь”); Sofia Metro  M1   M2  bến Serdika (Сердика). Từ chợ sách Slaveykov, nếu đi theo con phố Georgi Rakovski (Улица Георги Раковски) sẽ tới nhà hát Ivan Vazov, công trình tráng lệ và thanh lịch bậc nhất Thủ đô Bulgaria. Trải dài con phố Rakovski còn có thêm 8 nhà hát, và vô số các cơ quan Bộ ngành của Bulgaria. Điều tôi đặc biệt thích nữa là vườn hoa thành phố trước cửa nhà hát. Vào những ngày hè nóng, đây là nơi tuyệt vời để ghé lại uống một ly giải nhiệt trong những quán giải khát trong vườn. Khu vườn cũng là điểm hẹn của những người mê cờ tại thủ đô.
  • Sofia
    Nhà hát Ivan Vazov – Ảnh: Piotr Krawiec

  • Quảng trường Knyaz Aleksandar I (Площад Княз Александър I) Sofia Metro  M1   M2  bến Serdika (Сердика). Nằm ngay cạnh vườn hoa thành phố, có thể nói đây là quảng trường “quyền lực” nhất Bulgaria. Quanh quảng trường lần lượt là Hoàng cung cũ nay là Bảo tàng nghệ thuật Quốc gia (Национална художествена галерия), Quần thể Largo (Ларго) – biểu tượng của nửa Thế kỷ Xã hội Chủ nghĩa – gồm Trụ sở Đảng Cộng sản Bulgaria cũ, toà nhà Bách hoá Tổng hợp trước đây TZUM (ЦУМ – Централен универсален магазин) và phủ Tổng thống Bulgaria. Phía Đông của quảng trường còn toạ lạc nhà thờ Công giáo Nga (Руска Църква „Свети Николай Мирликийски“).
  • Sofia
    Quần thể Largo (Ларго) – Ảnh: Aleksandra V

  • Nhà thờ thánh George (Ротонда „Свети Георги“) Wikipedia số 2, đại lộ Knyaz Aleksandar Dondukov (“Булевард Княз Александър Дондуков”); Sofia Metro  M1   M2  bến Serdika (Сердика). Nằm hơi khuất sau quảng trường Knyaz Aleksandar I. Công trình khiến tôi tò mò nhất Sofia, nằm trong khoảng sân chung của khách sạn 5***** Sheraton sang trọng nhất thành phố cùng phủ Tổng thống Bulgaria, tồn tại và còn mở cửa cho khách thập phương tham quan nhà thờ Thánh George, xây dựng từ thế kỷ thứ 5 sau CN thời Byzantine, một trong những công trình cổ nhất Sofia còn tồn tại.
  • Chợ Zenski pazar (Женски пазар) đại lộ Stefan Stambolov (“Стефан Стамболов”). Khu chợ trời bán sản vật địa phương là điểm đến không thể thiếu trong mỗi hành trình của chúng tôi. Khung cảnh ồn ào chen chúc, ríu rít, những sản phẩm địa phương được bày bán ở chợ sẽ thể hiện rõ văn hoá truyền thống của vùng đất đó.
  • Nhà thờ Boyana (Боянска църква) Wikipedia số 3, phố Boyansko Ezero (“Боянско Езеро”). Nếu bạn có thêm tẹo thời gian, có thể ghé tham quan nhà thờ Boyana nằm ở ngoại vi Sofia, một trong chín di sản văn hoá UNESCO của Bulgaria. Từ trung tâm tới đây, đi tàu  M2  đến bến Vitosha (Витоша), bắt thêm bus #64 rồi xuống ở bến Boyansko Hanche (Боянско Ханче). Nếu đi taxi mất khoảng 15 lev (7.5 €).
  • Sofia
    Nhà thờ thánh George – Ảnh: Vincent Rowell
Đổi tiền :

Bulgaria chưa dùng tiền euro (€) mà dùng đồng lev – số nhiều là leva (viết tắt là лв (lv) hay BGN). Để chuẩn bị cho Bulgaria gia nhập khu vực dùng đồng €, tỉ giả giữa đồng lev và euro là không đổi từ năm 1999, 1€ ăn 1,95 lev. Để dễ tính toán khi mua hàng, nên quy đổi 1лв bằng 0,5€. Việc đổi tiền ở những thành phố lớn như Sofia tương đối đơn giản, gần như tất cả các chi nhánh của ngân hàng lớn đều cho đổi euro với tỉ giá này. Chỉ nên tránh đổi tại các khu vực nhà ga, bến xe hay sân bay sẽ bị tỉ giá không lợi; cũng như tuyệt đối tránh đổi ngoài đường, dễ gặp lừa đảo. Nên hỏi họ trước xem họ có lấy phí dịch vụ hay không. Nếu không có thể hỏi họ trực tiếp ở đâu đổi không có phí dịch vụ.

Dùng Revolut – Thẻ tín dụng đổi ngoại tệ miễn phí với tỉ giá tốt nhất :

Ngay cả với những người chỉn chu và kỹ tính nhất, với những dịch vụ truyền thống, vẫn chưa có phương án tối ưu cho một vấn đề thường gặp khi lên đường, đó là việc đổi ngoại tệ. Nếu không bận tâm gì nhiều thì tiện nhất là cứ quẹt thẻ, hay dùng thẻ ra ATM rút tiền bản địa khi tới nơi. Tuỳ vào loại thẻ và loại hợp đồng mà bạn đã kí, mà bạn sẽ có tỉ giá tốt hay không, cùng kèm các phí dịch vụ nhiều hay ít đi kèm. Nếu cầm theo tiền mặt, rồi hơi để ý và mất công tìm những chỗ đổi tiền có tỉ giá tốt nhất để đổi, thì vẫn chưa chắc đã là tiết kiệm nhất, vì nếu đổi thừa tiền, nhất là với những đồng tiền không phổ biến, thì cũng thành vật kỷ niệm mang về nhà mà thôi.

Thẻ tín dụng Revolut ra đời để giải quyết bài toán này. Vậy tóm tắt Revolut là gì, nó là một thẻ tín dụng mà bạn không mất bất cứ phí dịch vụ đổi tiền nào, và tỉ giá mà Revolut đổi cho bạn luôn là tỉ giá tốt nhất.

Tại sao tỉ giá Revolut đảm bảo cho bạn là tỉ giá tốt nhất. Vì tỉ giá mà hãng dùng là tỉ giá liên ngân hàng. Giải thích đơn giản, tỉ giá liên ngân hàng là tỉ giá giữa các ngân hàng dùng để mua bán ngoại tệ với nhau. Bạn Google ra tỉ giá nào thì đấy là tỉ giá sẽ được áp dụng cho Revolut, thay đổi theo thời gian thực, biến đổi từng giây khi thị trường mở cửa. Click vào đây để đọc hướng dẫn chi tiết về Revolut.

‎Revolut: Send, spend and save
‎Revolut: Send, spend and save
Revolut: Spend, Save, Trade
Revolut: Spend, Save, Trade
Developer: Revolut Ltd
Price: Free
Ngôn ngữ :

Có một việc hơi bất tiện khi đi du lịch Bulgaria, nhất là khi đến các vùng hẻo lánh là họ dùng bảng chữ cái Cyrillic (Kirin) khiến nhiều khi mình như người mù chữ, không đọc được tên quán ăn, địa chỉ v.v. Có thể dùng trang bg.translit.cc để chuyển đổi ký tự Kirin sang bảng chữ cái latinh, bét ra là sẽ đọc được địa chỉ, đánh vần được và đoán mò một số thuật ngữ.

Sofia
Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky

Đến Sofia :
  • Bằng máy bay : Sân bay của Sofia (Летище София) (mã IATA : SOF), nằm cách trung tâm tầm 9 km về phía Đông. Để di chuyển về trung tâm thành phố, có thể đi bằng phương tiện công cộng (bus và metro), mất tầm 1.6 lev (0.8 €-giá năm 2016), hay bắt taxi.
      • Bằng phương tiện công cộng : Đi về thành phố tiện nhất là lấy tuyến metro  M1 , một vé giá 1.6 lev/lượt (0.8 € – giá năm 2016), mỗi hành lý có kích cỡ trên 60cm*40cm*40cm phải mua thêm một vé. Tại sân bay, tàu dừng ở nhà ga Terminal 2 – chuyến đầu tiên buổi sáng chạy từ 5h30, chuyến cuối cùng xuất phát lúc 12h đêm. Mất khoảng 20 phút để về đến trung tâm thành phố.
      • Ngoài tàu điện ngầm, còn có bus số #84 để đi từ sân bay về thành phố. Giá vé bus giống giá vé tàu điện ngầm, một vé giá 1.6 lev/lượt (0.8 € – giá năm 2016), mỗi hành lý có kích cỡ trên 60cm*40cm*40cm phải mua thêm một vé. Tại sân bay, xe dừng ở cả hai nhà ga Terminal 1 và 2. Mất khoảng 40 phút để về đến trung tâm thành phố. Xe dừng đón trả khách tại  M1  bến St. Kliment Ohridski/Sofia University (СУ “Св. Климент Охридски”) trong thành phố.
      • Bằng taxi : Hãng taxi chính thức duy nhất được hoạt động trong sân bay là hãng OK Supertrans (www.oktaxi.net). Đây cũng là hãng taxi lớn và uy tín nhất Sofia, mất khoảng từ 14 đến 20 leva (7-10 €) để về thành phố.
  • Bằng tàu hoả :
    Hãng đường sắt quốc gia Bulgaria mang tên Balgarski darzhavni zheleznitsi (Български държавни железници) – BDZ (БДЖ) (www.bdz.bg). Nhà ga Sofia nằm tại địa chỉ 102 đại lộ Knyaginya Maria Luiza (Княгиня Мария Луиза) tương đối gần trung tâm. Nếu muốn đi phương tiện công cộng, nhà ga nằm cạnh bến tàu điện ngầm Central Railway Station (Централна ж.п. гара) trên đường  M2 . Đây cũng là trung tâm giao thông lớn của Sofia, khi ngay cạnh nhà ga xe lửa là hai bến xe khách chính của thành phố: Bến xe khách trung tâm (Централна автогара – Central Bus Station) đi nội địa và bến Serdica (Автогара Сердика) đi quốc tế. Hệ thống đường sắt Bulgaria chia ra làm ba loại tàu: ekspresen (tàu “cao tốc” – cao tốc ở đây để trong ngoặc kép), bârz (tàu nhanh) hay pâtnicheski (tàu chậm). Vé in hoàn toàn với bảng chữ cái Cyrillic (Kirin), một số từ sau có thể hữu ích để đọc được các thông tin quan trọng trên vé:

    Một số từ tiếng Bulgaria để đọc được thông tin quan trọng trên vé tàu:

      • Клас – klas: Hạng vé.
      • Категория – kategoriya: Loại tàu.
      • Влак – vlak: Số kí hiệu của tàu.
      • Час – chas: Giờ xuất phát.
      • Дата – data: Ngày xuất phát.
      • Вагон – vagon: Số toa.
      • Място – myasto: Số ghế.
  • Bằng xe bus :
    Vì hệ thống đường sắt Bulgaria tương đối cũ, nên người Bulgaria đa phần chọn di chuyển bằng bus. Hai bến xe khách chính của thành phố nằm sát cạnh nhau, tại địa chỉ địa chỉ 100 đại lộ Knyaginya Maria Luiza (Княгиня Мария Луиза): Bến xe khách trung tâm (Централна автогара – Central Bus Station) đi các tuyến nội địa và bến Serdica (Автогара Сердика) đi quốc tế. Như đã viết ở trên, hai bến xe khách này nằm ngay cạnh nhà ga xe lửa, ở tương đối gần trung tâm thành phố. Nếu muốn đi phương tiện công cộng, bến tàu điện ngầm gần nhất là bến Central Railway Station (Централна ж.п. гара) trên đường  M2 . Ngoài ra, tại Sofia còn có hai bến xe nhỏ hơn.

      • Bến xe phía Tây (Ovcha Kupel – Овча Купел) : Số 1 đại lộ Ovcha Kupel (Овча Купел). Từ trung tâm đến bến xe Ovcha Kupel đi tuyến tàu điện số #5 rồi xuống ở bến kv. Ovcha Kupel, nếu đi taxi từ trung tâm mất khoảng 7-12 leva (3.5 đến 6 €). Đây là điểm xuất phát của xe bus đi Tu viện Rila.
      • Bến xe phía Nam (Автогара Юг) : Số 23 đại lộ 23 Dragan Tsankov (Драган Цанков). Bến xe cách ga tàu điện ngầm  M1  Joliot-Curie (Жолио Кюри) tầm 300 mét, nếu đi taxi từ trung tâm mất khoảng 7-12 leva (3.5 đến 6 €)..

    Có thể tham khảo thời gian di chuyển bằng xe bus từ Sofia đi một số điểm đến khác tại Balkan:

      • Plovdiv : đi mất 2 tiếng.
      • Burgas : đi mất 6 tiếng.
      • Varna : đi mất 7 tiếng.
      • Veliko Tarvono : đi mất 3 tiếng.
      • Istabul : đi mất 10 tiếng.
      • Bucarest : đi mất 7 tiếng rưỡi.
      • Skopje : đi mất 5 tiếng.
      • Belgrade : đi mất 8 tiếng
  • Thuê xe tại Sofia : Chuyến đi lần này của chúng tôi là một chyến roadtrip thuê xe tự lái để tiết kiệm thời gian, và tận dụng giá cả tại Bulgaria còn tương đối rẻ. Tôi tìm được một hãng thuê xe giá bằng khoảng một nửa so với giá thị trường và khá hài lòng với dịch vụ của họ. Hãng rất nhỏ tên mybudgy.com do hai anh em rể một Pháp một Bulgaria điều hành. Xe tuy không phải là mới, tôi thuê một xe Renault Symbol đã đi được 16 vạn cây nhưng vẫn chạy tốt và giá 15€ một ngày. Thêm 5€ nữa họ sẽ giao xe ngay tại sân bay khi mình đến rồi đến lấy xe tại khách sạn của mình. Chúng tôi chỉ giao dịch với họ trước qua e-mail và khi đến sân bay thì thấy người của hãng xe đã đợi mình theo đúng hẹn. Khi thuê xe tại Bulgaria, bình thường đã có tem phí cầu đường được mua theo năm và không phải trả thêm bất kì phí nào khác.

Sofia
Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky – Ảnh: Piotr Krawiec

Di chuyển tại Sofia :
  • Phương tiện công cộng :
    Hệ thống giao thông công cộng ở Sofia rất rẻ. Hệ thống hiện tại bao gồm 2 tuyến tàu điện ngầm khá hiện đại (tuyến thứ ba đang được khởi công), 15 tuyến tàu điện nổi cùng nhiều tuyến bus, khá cũ nhưng sạch sẽ. Hãng Metropolitan (www.metropolitan.bg) quản lý hệ thống. Vé bán ở các nhà ga chính, tại các quầy bán báo hay mua trực tiếp với lái xe. Lưu ý là tại thời điểm chúng tôi ở Sofia, còn tương đối ít quầy bán vé tự động chấp nhận trả bằng thẻ, mà đa phần phải dùng tiền xu để mua. Có thể dùng trang www.eway.bg để tìm cách đi giữa hai điểm bằng phương tiện công cộng. Về vé giao thông đi lại có thể chia ra làm ba loại chính sau (giá năm 2016) :

      • Vé một lượt – giá 1.6 leva (0.8 €). Lưu ý là vé cho tàu điện ngầm và các phương tiện khác là khác nhau, không dùng chung được, dù đồng giá.
      • Vé 10 lượt – giá 12 leva.
      • Vé ngày cho mọi phương tiện, 4 leva.
  • Taxi :
    Giá taxi ở Sofia còn tương đối rẻ, hãng taxi uy tín nhất Sofia là hãng OK Supertrans (www.oktaxi.net +359 2 973 21 21). Cước phí của hãng là 0.70 lv khi lên xe, 0.79 lv/km cho cung giờ từ 6h sáng đến 10h tối, 0.90 lv/km vào buổi đêm, 0.22 lv mỗi một phút đợi. Đi trong khu trung tâm thành phố thường mất tầm 6 lv (3 €) một cuốc, ra vùng ngoại vi thường cũng chỉ lên đến 15 lv. Chú ý là rất nhiều taxi dù làm logo fake gần giống với hãng. Nếu điện thoại của bạn có mạng, có thể dùng app TaxiMe để gọi xe, có những tính năng khá giống với Uber như đánh giá và cho điểm lái xe, cũng như tính được giá cước dự tính cho quãng đường trước khi đặt xe.
‎TaxiMe Client
‎TaxiMe Client
Developer: TAXIME OOD
Price: Free
TaxiMe
TaxiMe
Developer: TaxiMe
Price: Free

Sofia
Ảnh: Melissa Maples

Khu trung tâm của Sofia tương đối nhỏ, giữa các điểm tham quan đều đi bộ được. Nên gần như chúng tôi không sử dụng phương tiện công cộng trong chuyến đi này, chỉ đi thử một hai lần để lấy kinh nghiệm về viết lại cho các bạn. Khi đi chơi buổi tối về muộn, do giá taxi còn khá rẻ, nên đoàn tôi chọn phương án này cho tiện lợi và an toàn.

Quán ngon :

Ẩm thực Bulgaria mang nét đặc trưng của vùng Balkan, cùng sự ảnh hưởng của 500 năm dưới sự đô hộ của Đế quốc Ottoman, nên cộng thêm chút âm vị phương Đông. Nguyên liệu chủ chốt có thể kể đến loại pho-mát sirene. Các cô gái Bulgaria được mẹ dạy bài học vỡ lòng lúc nội trợ, “khi thấy còn thiêu thiếu thứ gì, con cứ thêm chút sirene – if in doubt add sirene“. Là một nước có khí hậu ôn hoà nằm bên bờ biển Đen, nông sản Bulgaria vô cùng phong phú. Người Bulgaria thường bắt đầu bằng một bát-chén-đĩa súp nấu với rau củ quả theo mùa. Sau súp là món sa-lát shopska (шопска салата) trước khi vào món chính: dưa chuột, hành tây, cà chua thật tươi rắc kèm tiêu, sirene nạo cùng mùi tây.

Trong các món chính đặc trưng của vùng Balkan, độc đáo có món Sač (сач). Sač là tên một loại nồi đất hay chảo có vung, người Balkan vùi nhiều giờ trong than, dùng như loại lò hầm, nấu nhỏ lửa. Trong nồi thường trộn thập cẩm nhiều loại rau, ớt và hành tây, khoai tây, nấm… cùng thịt và pho-mai rồi úp vung kín và bỏ lò trong nhiều giờ. Hương vị của các nguyên liêụ được giữ nguyên, vị ngọt nọ kèm vị ngọt kia, nếu không hơi quá béo và thường quá đầy đặn, một suất khó có thể một người ăn hết, thì đây là một món rất tuyệt.

Mang ảnh hưởng của ẩm thực Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỹ, thịt nướng than hoa của Bulgaria cũng ngon tuyệt. Trong các loại thịt nướng đa dạng khác nhau, có thể kể đến: kebapcheta, kioufteta (thịt băm viên kèm hành và mùi tây), chichtchéta (thịt xiên nướng), karantchéta (xúc-xích), parjola (sườn). Ngon thêm muôn phần nếu kèm một vại bia mát lạnh của hai hãng địa phương Kamenitza hay Zagorka.

  • Ethno $$$$ 35 phố Alabin (ул. „Алабин“), Sofia +359 88 440 2109. Nếu không được dân “thổ địa”, chú Ivelin, người bạn của mẹ tôi dẫn đường thì không bao giờ tìm được địa chỉ này. Nằm ở tầng hầm tại một toà nhà nằm trên con phố không xa lắm Phủ tổng thống Bulgaria, lối vào cửa tiệm chỉ để một tấm biến khiêm tốn, không ngờ tầng hầm lại có một tiệm ăn rất lịch sử, mà theo tôi quan sát, để giới doanh nhân thành phố thường lui tới tiếp khách. Đồ ăn Bulgaria, tinh tế và ngon. Phục vụ khéo. Quán khá sang trọng, nhưng không hiểu sao tôi vẫn liên tưởng đến phong cách của những cô thuộc Cục phục vụ những cán bộ trung cao cấp thời Xã hội chủ nghĩa. Giá cao so với đời sống Bulgaria, nhưng trong khoảng chấp nhận được, tầm 20 lv (10 €) một người đã tính cả rượu vang.
  • Krivoto (Кривото) $$$ số 10, phố Sveti Kliment Ohridski („Свети Климент Охридски”), Sofia +359 88 810 1810 Website Tripadvisor. Nằm ngay cạnh Đại học Sofia, đây là địa chỉ quen thuộc với cả học sinh lẫn giáo viên của trường. Đồ ăn đa dạng, từ Tây Âu đến các món đặc biệt hơn của Bulgaria, đơn giản thôi nhưng chế biến khá vừa khẩu vị của tôi. Kinh nghiệm của tôi tại Bulgaria, khi vào nhà hàng mà không biết gọi gì, hãy cứ gọi một con cá nướng: vô cùng ngon, tươi, chắc và ngọt thịt. Giá cả khoảng 10 lv/người đã tính cả đồ uống.

Sofia
Nhà hát Ivan Vazov – Ảnh: Vincent Rowell

Quán nước :
  • One More Bar số 12 phố ul.Tsar Ivan Shishman (ул. Цар Иван Шишман), Sofia +359 87 769 3735 Facebook page Tripadvisor. Vợ tôi có một cô bạn Đại học người Bulgaria sau khi học xong đã về Sofia lập nghiệp. Cô hẹn gặp chúng tôi tại quán bar vô cùng thú vị này, trên con phố “Tsar Shishman” là một nơi tôi vô cùng thích tại Sofia, khu vực tập trung rất nhiều những cửa hàng sách, những cửa tiệm bán đồ thủ công rất art và nhỏ xinh. Quán bar cải tạo trong một biệt thự cổ gợi nhớ cho tôi những biệt thự Pháp tại Hà Nội, với khoảng sân ngồi thật thích vào mùa hè, còn trong nhà hiện đại hơn, kết hợp hoài niệm và hiện đại, tinh tế và đúng thời đại. Những bartender rất cừ của quán có những công thức cocktail ngon và lạ. Giá khoảng 5 lv một món đồ uống.
Hành trình:

Chúng tôi ghé thăm Sofia lần này trong chuyến roadtrip ngắn đi 4 ngày tại Bulgaria. Hành trình chi tiết như sau :






 

About the author: Trần Việt Dũng

 

V I V U E R - H A N O I A N in L Y O N

Facebook-Icon