“Chưa thấy Plovdiv, như chưa đến Bulgaria”
– Tục ngữ Bulgaria –
Mục lục
Tục ngữ Bulgaria có câu: “Nếu chưa thấy Plovdiv (Пловдив), như bạn chưa từng đến Bulgaria”, như để khẳng định, người Bul coi đây là di sản quý báu nhất, tài sản đẹp đẽ nhất trong kho tàng của họ. Những vết tích khảo cổ đánh giá thành phố có niên đại hơn 6000 năm, khiến nó là một trong những đô thị cổ đại nhất Lục địa già, còn ra đời trước cả thành Roma hay Athens huyền thoại. Thành phố được xây dựng trên 7 quả đồi, lấy nước từ dòng Maritsa (Марица), nằm giữa vùng đồng bằng Thracia (Тракия), một dải đất phì nhiêu kẹp giữa dãy Balkan ở phía Bắc và dãy Rodopi (Родопи) ở phía Nam. Từ ngàn xưa, những dân tộc đã từng chinh phục Bulgaria như người Macedonia, Đế quốc La Mã, Đế quốc Byzantine… đều chọn đây là nơi kiểm soát con đường huyết mạch từ Á sang Âu, nối châu Âu với Trung Đông, nối biển Baltic tới biến Địa Trung Hải, từ biển Đen thông sang biển Adriatic. Báu vật kiến trúc của Plovdiv nằm tập trung quanh khu trung tâm cổ, tương ứng với khu vực trước đây mà người La Mã đặt tên là thành Trimontium (thành phố ba ngọn đồi). Khu thành cổ Plovdiv được xây dựng trên ba ngọn đồi lần lượt mang tên Djambaz Tepe (Джамбаз тепе), Taksim Tepe (Таксим тепе) và Nebet Tepe (Небет тепе) mà ranh giới ngày nay thật khó phân định.

Một con phố trong Trimontium cổ – Ảnh: Piotr Krawiec
Hãy để Plovdiv dẫn dắt bạn theo nhịp điệu chậm rãi qua những bước chân trên những con đường lát đá ngàn năm tuổi, một bảo tàng lộ thiên cho 6 nghìn năm lịch sử, giao thoa văn hoá có đầy đủ cả nét bi lẫn hùng. Để lại ấn tượng hơn cả có lẽ là những vết tích trường tồn với thời gian của người La Mã, nguyên vẹn nhất và vẫn còn được sử dụng là Khu nhà hát xây ở khoảng lõm giữa hai đồi Djambaz và Taksim. Ngoài nét rêu phong đó, đối lập lại là các dinh thự của giới thương nhân Plovdiv độc đáo và đầy màu sắc tiêu biểu cho chủ nghĩa Phục hưng Bulgaria. Đây là thời kỳ mà sau 500 năm bị ngoại xâm đô hộ, dân tộc Slavơ bên bờ biển Đen này muốn chứng minh họ vẫn bảo tồn được văn hoá riêng, nghệ thuật riêng, tín ngưỡng riêng, tôn giáo riêng của họ. Và bằng tất cả những “chất liệu” cá biệt riêng của dân tộc mình, họ đã tạo nên một trào lưu văn hoá nghệ thuật rực rỡ khi nước Bulgaria được hồi sinh, chủ nghĩa Phục hưng Bulgaria. Và nếu thư thả thời gian, đừng vì lý do gì mà bỏ lỡ dịp được ngắm bình minh hay hoàng hôn từ phế tích thành cổ của người Thracia trên đỉnh đồi Nebet Tepe. Toàn bộ thành Plovdiv, như một bảo tàng sống mở ra bao chương hồi của cuốn sử thi 6000 năm giao hoà các nền văn minh như tua gọn vào tầm mắt.

Một con phố trong Trimontium cổ – Ảnh: Juan Antonio Segal
Đi những đâu ở Plovdiv :
Nếu không có quá nhiều thời gian, Plovdiv là điểm đến mà ta có thể khám phá trong một ngày. Cách khám phá Plovdiv tuyệt diệu nhất là tản bộ quanh những con đường rêu phong của thành phố. Toàn bộ khu trung tâm cũng như khu thành cổ đều cấm xe hơi và chỉ dành cho người đi bộ. Báu vật kiến trúc của Plovdiv nằm tập trung quanh khu trung tâm cổ, tương ứng với khu vực trước đây mà người La Mã đặt tên là thành Trimontium (thành phố ba ngọn đồi). Khu thành cổ Plovdiv được xây dựng trên ba ngọn đồi lần lượt mang tên Djambaz Tepe (Джамбаз тепе), Taksim Tepe (Таксим тепе) và Nebet Tepe (Небет тепе) mà ranh giới ngày nay thật khó phân định. Hãy để Plovdiv dẫn dắt bạn theo nhịp điệu chậm rãi qua những bước chân trên những con đường lát đá ngàn năm tuổi, một bảo tàng lộ thiên cho 6 nghìn năm lịch sử, giao thao văn hoá có đầy đủ cả nét bi lẫn hùng. Ngoài ra, với người Việt, nhất là với người đi từ Hà Nội như tôi, khu trung tâm mới của Plovdiv được xây dựng ở đầu thế kỷ 20 cùng thời gian với khu phố Tây Hà thành có cái gì đó gần gũi và thân thương lạ. Những biệt thự sơn vàng có khoảng sân nhỏ phía trước cùng những nét vật chất Xã hội chủ nghĩa bao quanh gợi nhớ cho tôi những con phố Thủ đô ta những năm đầu Đổi mới.
- Nhà hát La mã (Античен театър) Wikipedia phố Tsar Ivaylo (ул. Цар Ивайло). Phế tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ La mã còn lại trong thành phố, và ngày nay vẫn được sử dụng đúng với công năng ban đầu của nó, vẫn có những buổi biểu diễn được tổ chức tại sân khấu này. Khu nhà hát xây ở khoảng lõm giữa hai đồi Djambaz và Taksim, lấy triền đồi làm khán đài tự nhiên, và có view về đằng xa ngoài sân khấu, còn có khu trung tâm cổ và dãy Rodopi (Родопи) ở đằng xa. Chiến tranh rồi thiên tai động đất đã khiến công trình bị ngủ vùi trong nhiều thế kỷ. Chỉ đến những năm 1960 di tích mới được phát hiện lại và bắt đầu công cuộc phục dựng cho đến ngày nay.
- Khu thành cổ của người Thracia trên đồi Nebet Tepe (Небет тепе) Wikipedia nằm ở cuối phố Stoyan Chomakov (ул. Д-р Стоян Чомаков). Gần như chỉ còn phế tích còn xót lại cho đô thị của người Thracia được xây dựng trên đồi Nebet Tepe (dịch ra tiếng Việt là đồi Vọng gác), vốn là những dấu vết đầu tiên về sự xuất hiện của con người tại Plovdiv. Nhưng nếu có điều kiện ngủ đêm lại thành phố, thì đừng vì lý do gì mà bỏ lỡ dịp được ngắm bình minh hay hoàng hôn từ từ đỉnh đổi. Toàn bộ thành Plovdiv, như một bảo tàng sống mở ra bao chương hồi của cuốn sử thi 6000 năm giao hoà các nền văn minh như thu gọn vào tầm mắt.
- Các dinh thự theo kiến trúc Phục hưng Bulgaria. Nhờ vị trí chiến lược của mình, nằm trên con đường huyết mạch từ Á sang Âu, nối châu Âu với Trung Đông, nối biển Baltic tới biến Địa Trung Hải, từ biển Đen thông sang biển Adriatic, Plovdiv đã có những chu kỳ phồn thịnh, với những thương gia vô cùng giàu có. Vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, sau 500 năm bị đế quốc Ottoman hồi giáo đô hộ, dân tộc Bulgaria muốn chứng minh họ vẫn bảo tồn được văn hoá riêng, nghệ thuật riêng, tín ngưỡng riêng, tôn giáo riêng của mình. Và bằng tất cả những “chất liệu” cá biệt riêng của dân tộc mình, họ đã tạo nên một trào lưu văn hoá nghệ thuật rực rỡ khi nước Bulgaria được hồi sinh, chủ nghĩa Phục hưng Bulgaria. Những dinh thự tại Plovdiv được xây trên ba ngọn đồi Djambaz Tepe (Джамбаз тепе), Taksim Tepe (Таксим тепе) và Nebet Tepe (Небет тепе) tương ứng với thành Trimontium cũ có lối kiến trúc và sức hút không lẫn vào đâu được. Hãy thả mình lạc lối trên những con đường đá rêu phong của một Plovdiv thật xưa. Tâp trung nhiều nhất có lẽ dọc theo các con phố Saborna (ул. Съборна) và Slaveykov (ул. П.Р.Славейков). Nhưng mọi ngóc ngách trên đồi đều ẩn chứa những góc cạnh vô cùng đáng yêu. Có thể kể đến một số dinh thự tiêu biểu:
- Dinh thự Kuyumdzhioglu – nay là Bảo tàng Dân tộc học (Регионален етнографски музей — Пловдив, Regionalen etnografski muzey — Plovdiv) 2, phố Dr. Stoyan Chomakov (ул. Д-р Стоян Чомаков) +359 32 625 654 Website. Mở cửa từ thứ ba đến chủ nhật từ 9h sáng đến 18h tối. Vé vào cửa giá 5 leva (giá năm 2016).
- Dinh thự Gueorguiadi số 1A Tsanko Lavrenov (ул. Цанко Лавренов) +359 32 623 378. Ngày nay là bảo tàng về thời kỳ Phục hưng Bulgaria. Mở cửa hàng ngày từ 9 rưỡi sáng đến 6 giờ tối. Giá vé vào cửa 2 leva (giá năm 2016).
- Dinh thự Danov (ДАНОВА КЪЩА) số 2, phố Otets-Paissiy (отец паисий).
- Dinh thự Lamartine (КЪЩА “ЛАМАРТИН”) số 19, phố Knyaz Tseretelev +359 32 631 776.
- Dinh thự Hindlian (КЪЩА ХИНДЛИЯН) số 4, phố Artin Gidikov +359 32 628 998. Mở cửa hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối. Giá vé vào cửa 5 leva (giá năm 2016)
- Cổng thành Hisar Kapia (Хисар Капия) nằm trên phố Tsanko Lavrenov (ул. Цанко Лавренов) Wikipedia. Là một trong những biểu tượng của thành phố. Vết tích còn sót lại của một Plovdiv thời trung cổ. Nằm trên một con dốc còn lót đá tảng, được bao quanh bởi các dinh thự đa màu đa sắc theo kiến trúc Phục hưng Bulgaria, nơi ta ngay lập tức có thể phóng mình ngược lại cỗ máy thời gian về trăm năm trước. Cổng thành được xây dựng từ thế kỉ 11 sau Công nguyên, tại vị trí mà hàng thế kỉ trước người La mã cũng chọn đặt tường thành của họ, và là cổng duy nhất của khu thành cổ Plovdiv còn sót lại cho đến ngày nay. Nếu có thời gian đi theo những con phố nhỏ dọc tường thành, còn có thể thấy nhiều tàn tích của thành cổ Plovdiv.
- Nhà thờ Hồi giáo Dzhumaya (Джумая джамия) Wikipedia. Một trong những nhà Hồi giáo lớn nhất Bulgaria, được xây dựng từ Thế kỷ 14 khi người Ottoman chinh phục Plovdiv. Điểm tham quan này được mở cửa hàng ngày từ 6h sáng đến 23 giờ đêm, ngoài các giờ cầu nguyện cho khách tham quan. Ngay cạnh nhà thờ còn vài tàn tích của Đấu trường La mã cổ. Đây cũng là điểm nối khu vực thành cổ Trimontium với khu trung tâm cuả Plovdiv.

Nhà hát cổ La Mã (Античен театър) – Ảnh: Sarah Dawalibi

Plovdiv chụp từ đồi Nebet Tepe (Небет тепе) – Ảnh: Anton Atanasov

Bảo tàng Dân tộc học – Ảnh: Piotr Krawiec

Cổng thành Hisar Kapia (Хисар Капия) – Ảnh: Juan Antonio Segal

Nhà thờ Hồi giáo Dzhumaya (Джумая джамия) – Ảnh: Sarah Dawalibi
Đổi tiền :
Bulgaria chưa dùng tiền euro (€) mà dùng đồng lev – số nhiều là leva (viết tắt là лв hay BGN). Để chuẩn bị cho Bulgaria gia nhập khu vực dùng đồng €, tỉ giả giữa đồng lev và euro là không đổi từ năm 1999, 1€ ăn 1,95 lev. Để dễ tính toán khi mua hàng, nên quy đổi 1лв bằng 0,5€. Việc đổi tiền ở những thành phố lớn như Plovdiv tương đối đơn giản, gần như tất cả các chi nhánh của ngân hàng lớn đều cho đổi euro với tỉ giá này. Chỉ nên tránh đổi tại các khu vực nhà ga, bến xe hay sân bay sẽ bị tỉ giá không có lợi. Nên hỏi họ trước xem họ có lấy phí dịch vụ hay không nếu không có thể hỏi họ trực tiếp ở đâu đổi không có phí dịch vụ. Một ấn tượng là người Bulgaria còn tương đối thật thà. Tại Plovdiv, một nhân viên của ngân hàng Societe Generale còn khuyên và chỉ cho chúng tôi sang đối thủ cạnh tranh Raiffeisenbank mà đổi vì bên họ lấy phí còn bên kia thì không.
Ngay cả với những người chỉn chu và kỹ tính nhất, với những dịch vụ truyền thống, vẫn chưa có phương án tối ưu cho một vấn đề thường gặp khi lên đường, đó là việc đổi ngoại tệ. Nếu không bận tâm gì nhiều thì tiện nhất là cứ quẹt thẻ, hay dùng thẻ ra ATM rút tiền bản địa khi tới nơi. Tuỳ vào loại thẻ và loại hợp đồng mà bạn đã kí, mà bạn sẽ có tỉ giá tốt hay không, cùng kèm các phí dịch vụ nhiều hay ít đi kèm. Nếu cầm theo tiền mặt, rồi hơi để ý và mất công tìm những chỗ đổi tiền có tỉ giá tốt nhất để đổi, thì vẫn chưa chắc đã là tiết kiệm nhất, vì nếu đổi thừa tiền, nhất là với những đồng tiền không phổ biến, thì cũng thành vật kỷ niệm mang về nhà mà thôi.
Thẻ tín dụng Revolut ra đời để giải quyết bài toán này. Vậy tóm tắt Revolut là gì, nó là một thẻ tín dụng mà bạn không mất bất cứ phí dịch vụ đổi tiền nào, và tỉ giá mà Revolut đổi cho bạn luôn là tỉ giá tốt nhất.
Tại sao tỉ giá Revolut đảm bảo cho bạn là tỉ giá tốt nhất. Vì tỉ giá mà hãng dùng là tỉ giá liên ngân hàng. Giải thích đơn giản, tỉ giá liên ngân hàng là tỉ giá giữa các ngân hàng dùng để mua bán ngoại tệ với nhau. Bạn Google ra tỉ giá nào thì đấy là tỉ giá sẽ được áp dụng cho Revolut, thay đổi theo thời gian thực, biến đổi từng giây khi thị trường mở cửa. Click vào đây để đọc hướng dẫn chi tiết về Revolut.

Plovdiv chụp từ đồi Nebet Tepe (Небет тепе)
Ngôn ngữ :
Có một việc hơi bất tiện khi đi du lịch Bulgaria, nhất là khi đến các vùng hẻo lánh là họ dùng bảng chữ cái Cyrillic (Kirin) khiến nhiều khi mình như người mù chữ, không đọc được tên quán ăn, địa chỉ v.v. Có thể dùng trang bg.translit.cc để chuyển đổi ký tự Kirin sang bảng chữ cái latinh, bét ra là sẽ đọc được địa chỉ, đánh vần được và đoán mò một số thuật ngữ.

Hoạ tiết trên Dinh thự Gueorguiadi – Ảnh: Piotr Krawiec
Đến và di chuyển tại Plovdiv :
- Bằng máy bay : Sân bay chính của thành phố mang tên Plovdiv Krumovo Airport – (“Летище Пловдив”) (mã IATA : PDV), nằm cách trung tâm tầm 6 km về phía Đông Nam. Có tương đối ít chuyến bay quốc tế bay thẳng đến Plovdiv, đa phần vẫn phải đến Sofia rồi đi bằng phương tiện đường bộ về đây. Hiện tại chỉ có Ryanair khai thác bốn đường bay đến Plovdiv.
London Stansted.
Frankfurt Hahn
Milan Bergamo
Brussels Charleroi.
- Bằng auto : Plovdiv cách Sofia khoảng 150 km (dưới 2 tiếng chạy xe) về phía Đông đi theo đường cao tốc A1, là trục chính từ Đông sang Tây của Bulgaria.
- Thuê xe tại Sofia : Trong chuyến đi lần này, tôi tìm được một hãng thuê xe giá bằng khoảng một nửa so với giá thị trường và khá hài lòng với dịch vụ của họ. Hãng rất nhỏ tên mybudgy.com do hai anh em rể một Pháp một Bulgaria điều hành. Xe tuy không phải là mới, tôi thuê một xe Renault Symbol đã đi được 16 vạn cây nhưng vẫn chạy tốt và giá 15€ một ngày. Thêm 5€ nữa họ sẽ giao xe ngay tại sân bay khi mình đến rồi đến lấy xe tại khách sạn của mình. Chúng tôi chỉ giao dịch với họ trước qua e-mail và khi đến sân bay thì thấy người của hãng xe đã đợi mình theo đúng hẹn. Khi thuê xe tại Bulgaria, bình thường đã có tem phí cầu đường được mua theo năm và không phải trả thêm bất kì phí nào khác.
- Bằng tàu hoả :
Hãng đường sắt quốc gia Bulgaria mang tên Balgarski darzhavni zheleznitsi (Български държавни железници) – BDZ (БДЖ) (www.bdz.bg). Nhà ga Plovdiv tại địa chỉ 46 phố Hristo Botev (Христо Ботев) tương đối gần trung tâm, theo hết phố Ivan Vazov (Иван Вавов) là đã đến con phố đi bộ chính của thành phố. Nếu muốn đi phương tiện công cộng trước cửa ga có các tuyến bus số #7, số #20 và số #26. Hàng ngày có 13 chuyến từ Sofia đến Plovdiv và ngược lại, chuyến muộn nhất khởi hành lúc 20h tối. Giá vé dao động từ 8 đến 10 leva tuỳ tàu nhanh hay chậm. Tàu nhanh đi hết 2 tiếng rưỡi, tàu chậm 4 tiếng. Hệ thông đường sắt Bulgaria chia ra làm ba loại tàu: ekspresen (tàu “cao tốc” – cao tốc ở đây để trong ngoặc kép), bârz (tàu nhanh) hay pâtnicheski (tàu chậm). Vé in hoàn toàn với bảng chữ cái Cyrillic (Kirin), một số từ sau có thể hữu ích để đọc được các thông tin quan trọng trên vé:Một số từ tiếng Bulgaria để đọc được thông tin quan trọng trên vé tàu:- Клас – klas: Hạng vé.
- Категория – kategoriya: Loại tàu.
- Влак – vlak: Số kí hiệu của tàu.
- Час – chas: Giờ xuất phát.
- Дата – data: Ngày xuất phát.
- Вагон – vagon: Số toa.
- Място – myasto: Số ghế.
- Bằng xe bus :
Nhà ga xe khách chính của thành phố mang tên- “Youg” – (Автогара ЮГ) nằm ở cạnh ga tàu hoả. Vì hệ thống đường sắt Bulgaria tương đối cũ, nên người Bulgaria đa phần chọn di chuyển bằng bus. Hành trình Sofia – Plovdiv mất khoảng hai tiếng, giá vé tầm 14 leva. Ở tuyến đường này hãng Vitosha Express chiếm được thị phần chính. Tại Sofia, xe xuất phát từ bến xe trung tâm (Centralna avtogara – Централна автогара), tại số 100 Đại lộ Maria Luiza. Tại Bulgaria, để tìm giờ tàu hay bus chạy đường dài, có thể dùng trang www.bgrazpisanie.com.Ngoài ra, tại Plovdiv còn có hai bến xe khác nhỏ hơn:
- Bến Rodopi – Автогара РОДОПИ: 2, phố Makedonia (ул. Македония).
- Bến Sever – Автогара СЕВЕР: 2, phố Dimitar Stambolov (ул. Димитър Стамболов).
- Phương tiện công cộng : Thành phố Plovdiv tương đối nhỏ, trong thời gian lưu lại đây, ngay cả không ở trong khu trung tâm, chúng tôi vẫn có thể đi bộ khắp nơi. Nếu có trẻ nhỏ hay người cao tuổi, đi taxi khoảng từ 5 – 7 leva một cuốc. Plovdiv có hệ thống bus công cộng, giá vé mỗi lượt là 1 lev. Có thể dùng trang www.eway.bg để tìm cách đi giữa hai điểm bằng bus.

Một con phố trong Trimontium cổ – Ảnh: Juan Antonio Segal
Quán ngon :
Ẩm thực Bulgaria mang nét đặc trưng của vùng Balkan, cùng sự ảnh hưởng của 500 năm dưới sự đô hộ của Đế quốc Ottoman, nên cộng thêm chút âm vị phương Đông. Nguyên liệu chủ chốt có thể kể đến loại pho-mát sirene. Các cô gái Bulgaria được mẹ dạy bài học vỡ lòng lúc nội trợ, “khi thấy còn thiêu thiếu thứ gì, con cứ thêm chút sirene – if in doubt add sirene“. Là một nước có khí hậu ôn hoà nằm bên bờ biển Đen, nông sản Bulgaria vô cùng phong phú. Người Bulgaria thường bắt đầu bằng một bát-chén-đĩa súp nấu với rau củ quả theo mùa. Sau súp là món sa-lát shopska (шопска салата) trước khi vào món chính: dưa chuột, hành tây, cà chua thật tươi rắc kèm tiêu, sirene nạo cùng mùi tây.
Trong các món chính đặc trưng của vùng Balkan, độc đáo có món Sač (сач). Sač là tên một loại nồi đất hay chảo có vung, người Balkan vùi nhiều giờ trong than, dùng như loại lò hầm, nấu nhỏ lửa. Trong nồi thường trộn thập cẩm nhiều loại rau, ớt và hành tây, khoai tây, nấm… cùng thịt và pho-mai rồi úp vung kín và bỏ lò trong nhiều giờ. Hương vị của các nguyên liêụ được giữ nguyên, vị ngọt nọ kèm vị ngọt kia, nếu không hơi quá béo và thường quá đầy đặn, một suất khó có thể một người ăn hết, thì đây là một món rất tuyệt.
Mang ảnh hưởng của ẩm thực Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỹ, thịt nướng than hoa của Bulgaria cũng ngon tuyệt. Trong các loại thịt nướng đa dạng khác nhau, có thể kể đến: kebapcheta, kioufteta (thịt băm viên kèm hành và mùi tây), chichtchéta (thịt xiên nướng), karantchéta (xúc-xích), parjola (sườn). Ngon thêm muôn phần nếu kèm một vại bia mát lạnh của hai hãng địa phương Kamenitza hay Zagorka.
Không phải nhà hàng nào của Plovdiv cũng mở cửa quanh năm. Rất nhiều tiệm đóng cửa khi không phải mùa cao điểm của khách du lịch.
- Центьр $ 22 phố Knyaz Alexander I (ул. Княз Александър I-ви). Trong tối đầu tiên đến Plovdiv, khi một loạt nhà hàng trong các trang web và sách review đều đóng cửa do không phải mùa cao điểm du lịch. Đang đi loanh quanh trên phố chính khu trung tâm thì bị tủ kính của nhà hàng này hớp hồn. Tên và biển quán viết bằng tiếng Bulgaria nên không thể search tripadvisor được, nhưng mặt tiền tủ quán với hàng tảng thịt nướng đang nướng than hoa thơm ngậy và toàn dân địa phương đang ngồi ăn rất đông khiến tôi tự tin đây là chỗ ăn được. Ngoài thịt nướng ngon, quán còn bán rất nhiều món ăn thường nhật đặc trưng của Bulgaria vô cùng hấp dẫn: salát bạch tuộc trộn, cá hồi tái ngâm dầu… Giá theo đúng mức sống của dân địa phương. Có thể ăn hết khoảng (2 leva/1 € mỗi người), nếu ăn uống thoải mái hết tầm 5 leva một người.
- Златна Круша – Zlatna Krusha $$$ Otets Paisiy 30 (отец паисий), Plovdiv +359 32 650 505 Website Tripadvisor. Một quán củ yến bán đồ Tây Âu (pizza, mì Ý v.v.) nhưng những món Bulgaria của quán nấu cũng rất khá. Chúng tôi đă được thưởng thức một con cá nướng vô cùng ngon, tươi, chắc và ngọt thịt.

Một con phố trong Trimontium cổ – Ảnh: Piotr Krawiec
Điểm đến lân cận có thể kết hợp:
- Tu viện Batchkovo
- Pháo đài Assen
Hành trình:
Chúng tôi ghé thăm Plovdiv lần này trong chuyến roadtrip ngắn đi 4 ngày tại Bulgaria. Hành trình chi tiết như sau :
- Ngày 1 và ngày 2 : Plovdiv
- Ngày 2 : Tu viện Rila
- Ngày 3 và 4 : Sofia
Có một sự kiện buồn đã xảy ra với chúng tôi trong thời gian vừa qua. Trộm viếng nhà đã lấy đi toàn bộ máy tính, máy ảnh và quan trọng nhất là những kỉ niệm vô giá: hình ảnh những chuyến đi còn chưa kịp lưu lại trên mạng. Trong những hành trình được viết sắp tới (trong khoảng cuối năm 2016 và nửa đầu 2017), chúng tôi xin phép được tạm dùng hình ảnh trên internet để minh hoạ cho bài viết, trái với nguyên tắc của vivu là hoàn toàn sản xuất thông tin mình đăng tải. Các bạn nào cũng đi những điểm này và muốn thành cộng tác viên của vivu, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi.