“Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng, trong cây
Một ít buồn trong gió, trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ”

– Tế Hanh –

Một cơ duyên khiến chúng tôi tình cờ được khám phá Bulgaria và Đông Âu đúng giữa mùa thu vàng, khi thiên nhiên thấm đẫm sự nhẹ nhàng. Sau khi vừa trở về từ chuyến đi Trung Âu qua BudapestVienna, chúng tôi không nghĩ mình lại lên đường sớm như vậy. Mẹ gọi điện báo có người bạn cũ người Bul mời bà sang dự một cuộc hội thảo được tổ chức tại thành phố quê hương ông, Sliven, một thành phố công nghiệp nặng đang từng bước hồi sinh sau khi tưởng như phải dần biến mất khi chủ nghĩa kế hoạch – bao cấp sụp đổ. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là hay chăng chẳng nên đi Bulgaria, có gì mà chơi, có gì mà xem? Tiện dịp này mà đi hai nước láng giềng: Quần đảo Cyclades ở Hy Lạp chăng (Santorini, Mykonos…), hay Istabul huyền thoại cũng chỉ cần thêm vài tiếng chạy xe nữa. Nhưng rồi mẹ nói thôi cứ thăm thú Bulgaria, không đi dịp này chắc sẽ chẳng bao giờ mới có dịp trở lại.

Và cơ duyên này khiến tôi được biết đến mùa thu vàng Đông Âu, mùa dịu dàng không chỉ còn qua lời kể về thời thanh xuân đầy hoài bão của cha mẹ. Mùa thu vàng sao đẹp đến vậy, có phải chăng vì trong cái sự nhẹ tênh của nó ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Thu Hà Nội của tuổi thơ tôi nhẹ nhàng trong hương cốm mới và thoáng gió heo may. Còn thu Đông Âu, trong cái nhẹ tênh như làn mây tựa sương khói trên nền trời trong vắt kia, còn ẩn thấy sức sống mãnh liệt của núi rừng cây cỏ. Sự mãnh liệt vì vẻ đẹp của mùa thu là vẻ đẹp trong sự úa tàn. Cái đẹp thường mỏng manh e lệ. Nó chạy đua với thời gian để phát tiết hết biết bao nhiêu diễm lệ, rực rỡ, trước khi bước vào một kì ngủ đông mùa đông dài đầy khắc nghiệt. Thiên nhiên đã quá ưu đãi chúng tôi khi chuyến đi khám phá sắc thu lần này dưới thời tiết khô cong chứ không phải kèm những cơn mưa biến những tàn lá kia thành thứ mùn phủ ngập dùng cho mùa xuân mới. Thi thoảng, gió thoáng nhẹ như người nhạc trưởng gẩy tàn lá vàng chơi những ‘nốt nhạc’ rì rào, xào xạc.

Plovdiv
Một con phố trong Trimontium cổ – Ảnh: Piotr Krawiec

Trong cái tiết thu như vậy, tôi đi khám phá Bulgaria. Vào thời điểm năm 2016, so với châu Âu, nước Bul còn nghèo và kém phát triển. Với những ai mến sự hoài niệm của một thời kì cách đây chưa xa lắm, khi Thế giới còn chưa phẳng như ngày nay, giữa châu Âu còn một bức tường ngăn cách Đông và Tây; chẳng cần đi đến tận cùng Trái đất, đi đến Bulgaria thôi giúp ta như có thể lùi lại cỗ máy thời gian gần hai thập kỷ, hiện ra một Đông Âu đúng như ta tưởng tượng trong những thước phim đen trắng. Nhưng phải lên đường nhanh thôi, thời gian sẽ dần xoá nhoà hết kỉ niệm – dấu vết, trong tâm trí mỗi chúng ta, cũng như trên mỗi góc cạnh của đất nước này.

Sofia
Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky, Sofia

Hành trình:
Ngày thứ nhất : Plovdiv

Chuyến đi lần này của chúng tôi là một chyến roadtrip thuê xe tự lái để tiết kiệm thời gian, và tận dụng giá cả tại Bulgaria còn tương đối rẻ. Từ sân bay Sofia, sau khi nhận xe, chúng tôi lái thẳng tới Plovdiv, thành phố di sản cách thủ đô Bulgaria hai giờ chạy xe về phía Đông.

Tục ngữ Bulgaria có câu: “Nếu chưa thấy Plovdiv (Пловдив), như bạn chưa từng đến Bulgaria”, như để khẳng định, người Bul coi đây là di sản quý báu nhất, tài sản đẹp đẽ nhất trong kho tàng của họ. Những vết tích khảo cổ đánh giá thành phố có niên đại hơn 6000 năm, khiến nó là một trong những đô thị cổ đại nhất Lục địa già, còn ra đời trước cả thành Roma hay Athens huyền thoại. Thành phố được xây dựng trên 7 quả đồi, lấy nước từ dòng Maritsa (Марица), nằm giữa vùng đồng bằng Thracia (Тракия), một dải đất phì nhiêu kẹp giữa dãy Balkan ở phía Bắc và dãy Rodopi (Родопи) ở phía Nam. Từ ngàn xưa, những dân tộc đã từng chinh phục Bulgaria như người Macedonia, Đế quốc La Mã, Đế quốc Byzantine… đều chọn đây là nơi kiểm soát con đường huyết mạch từ Á sang Âu, nối châu Âu với Trung Đông, nối biển Baltic tới biến Địa Trung Hải, từ biển Đen thông sang biển Adriatic. Báu vật kiến trúc của Plovdiv nằm tập trung quanh khu trung tâm cổ, tương ứng với khu vực trước đây mà người La Mã đặt tên là thành Trimontium (thành phố ba ngọn đồi). Khu thành cổ Plovdiv được xây dựng trên ba ngọn đồi lần lượt mang tên Djambaz Tepe (Джамбаз тепе), Taksim Tepe (Таксим тепе) và Nebet Tepe (Небет тепе) mà ranh giới ngày nay thật khó phân định.

Plovdiv
Một con phố trong Trimontium cổ – Ảnh: Juan Antonio Segal

Nếu không có quá nhiều thời gian, Plovdiv là điểm đến mà ta có thể khám phá trong một ngày. Cách khám phá Plovdiv tuyệt diệu nhất là tản bộ quanh những con đường rêu phong của thành phố. Toàn bộ khu trung tâm cũng như khu thành cổ đều cấm xe hơi và chỉ dành cho người đi bộ. Hãy để Plovdiv dẫn dắt bạn theo nhịp điệu chậm rãi qua những bước chân trên những con đường lát đá ngàn năm tuổi, một bảo tàng lộ thiên cho 6 nghìn năm lịch sử, giao thoa văn hoá có đầy đủ cả nét bi lẫn hùng. Để lại ấn tượng hơn cả có lẽ là những vết tích trường tồn với thời gian của người La Mã, nguyên vẹn nhất và vẫn còn được sử dụng là Khu nhà hát xây ở khoảng lõm giữa hai đồi Djambaz và Taksim. Ngoài nét rêu phong đó, đối lập lại là các dinh thự của giới thương nhân Plovdiv độc đáo và đầy màu sắc tiêu biểu cho chủ nghĩa Phục hưng Bulgaria. Đây là thời kỳ mà sau 500 năm bị ngoại xâm đô hộ, dân tộc Slavơ bên bờ biển Đen này muốn chứng minh họ vẫn bảo tồn được văn hoá riêng, nghệ thuật riêng, tín ngưỡng riêng, tôn giáo riêng của họ. Và bằng tất cả những “chất liệu” cá biệt riêng của dân tộc mình, họ đã tạo nên một trào lưu văn hoá nghệ thuật rực rỡ khi nước Bulgaria được hồi sinh, chủ nghĩa Phục hưng Bulgaria. Và nếu thư thả thời gian, đừng vì lý do gì mà bỏ lỡ dịp được ngắm bình minh hay hoàng hôn từ phế tích thành cổ của người Thracia trên đỉnh đồi Nebet Tepe. Toàn bộ thành Plovdiv, như một bảo tàng sống mở ra bao chương hồi của cuốn sử thi 6000 năm giao hoà các nền văn minh như tua gọn vào tầm mắt.

Plovdiv
Nhà hát cổ La Mã (Античен театър), Plovdiv – Ảnh: Sarah Dawalibi

Xem chi tiết :

Ngày thứ nhì : Tu viện Rila

Sáng ngày thứ hai, trời thu Đông Âu hơi se lạnh. Được nằm thêm trong chăn ấm khi đã tỉnh ngủ thì thật thích. Cố gắng lắm để vượt qua cơn lười, tôi lên khu thành cổ của người Thracia trên đồi Nebet Tepe (Небет тепе) để đón bình minh. Không phải mùa du lịch, gần như một mình tôi một giang sơn. Gần như chỉ còn phế tích còn xót lại cho đô thị của người Thracia được xây dựng trên đồi Nebet Tepe (dịch ra tiếng Việt là đồi Vọng gác), vốn là những dấu vết đầu tiên về sự xuất hiện của con người tại Plovdiv. Nhưng nếu có điều kiện ngủ đêm lại thành phố, thì đừng vì lý do gì mà bỏ lỡ dịp được ngắm bình minh hay hoàng hôn từ từ đỉnh đổi. Toàn bộ thành Plovdiv, như một bảo tàng sống mở ra bao chương hồi của cuốn sử thi 6000 năm giao hoà các nền văn minh như thu gọn vào tầm mắt.

Plovdiv
Plovdiv chụp từ đồi Nebet Tepe (Небет тепе) – Ảnh: Anton Atanasov

Sau bữa sáng, chúng tôi lại lên đường chếch mé Tây Nam. Với ai tổ chức tốt, buổi sáng có thể viếng thăm hai điểm chính ở ngoại vi Plovdiv, Tu viện Batchkovo và pháo đài Assen, trước khi hướng tới điểm đến chính của ngày, Tu viện Rila.

Từ Sofia đi về phía Nam tới miền biên cương với Hy Lạp được ví như mái nhà của nước Bulgaria và cả toàn bán đảo Balkan. Ba dãy núi mang tên Vitosha (Витоша), Rila (Рила) và Pirin (Пирин) trùng điệp nối tiếp nhau hợp thành miền sơn cước của xứ sở hoa hồng. Vùng đất nơi thiên nhiên và con người cùng để lại những di sản kiệt tác cho hậu thế. Sâu trong lòng núi, dưới chân đỉnh Musala cao nhất toàn Balkan, toạ lạc công trình tôn giáo quan trọng và rực rỡ bậc nhất của dân tộc Bulgaria, Tu viện Rila (Рилски Манастир – Rilski Manastir), được xây dựng từ hơn mười thế kỷ trước. Tu viện có lẽ là công trình quan trọng nhất trong số chín di sản đã được xếp hàng Di sản văn hoá UNESCO tại Bulgaria, và cũng là một trong những điểm thu hút đông khách thập phương viếng thăm nhất tại đất nước này. Người Bulgaria đến để hành hương, khách ngoại quốc đến để thưởng lãm.

Rila nằm cách Sofia 120km về phía Nam, trong đó có 32 cây số cuối cùng là đường núi, quanh co gấp khúc tuyệt đẹp giữa thiên nhiên núi rừng trong “Mùa thu vàng” đúng nghĩa ở Đông Âu. Tu viện là một trong những thánh địa thiêng liêng nhất của người Kitô giáo Đông Âu trong hơn 10 thế kỷ tồn tại. Ngay cả 500 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Ottoman Hồi giáo, và hơn nửa thế kỷ của chủ nghĩa Cộng sản vô thần cũng không thể làm lụi tàn hoạt động tôn giáo tại Rila. Khó có một công trình Công giáo nào có vẻ đẹp rực rỡ như Tu viện Rila, nhất là những bực hoạ vẽ tường trên nhà thờ chính. Ngoài là một trung tâm tôn giáo, Tu viện Rila còn là biểu tượng và là niềm tự hào của dân tộc Bulgaria. Một trận hoả hoạn đã thiêu rụi toàn bộ Tu viện cổ vào năm 1833. Tu viện Rila như ta biết ngày nay được tái xây dựng lại vào nửa cuối thế kỷ 19 và là công trình tiêu biểu cho chủ nghĩa Phục hưng Bulgaria.

Tu viện Rila
Nhà thờ chính của Tu viện Rila

Xem chi tiết :

Hai ngày cuối : Sofia

Hai ngày cuối cùng, bọn tôi lưu lại và khám phá Sofia, cửa ngõ của Bulgaria, nơi bạn thường bắt đầu hay kết thúc mỗi chuyến tham quan xứ sở hoa hồng. Nằm cách Istabul chỉ còn vài giờ chạy xe nữa, Sofia như kinh đô cuối cùng của phương Tây, là điểm đến lý tưởng cho những ai thích cách du lịch chậm. Có thể chậm vì Sofia chưa nằm trên các cung đường quen thuộc của những tuyến lữ hành, ta không bị cuốn theo cùng nhịp đi ùn ùn của từng đoàn khách lớn. Có thể chậm vì Sofia nhiều không gian xanh quá, hít thở một hơi chậm và sâu hơn để tận hưởng món quà tuyệt vời nhất mà Trái đất mẹ ban tặng cho chúng ta; không khí – hơi thở báo hiệu cho sự sống. Đi chậm và ngạc nhiên quá, vì tản bộ trong khu trung tâm thành phố, thật khó hình dung đây là một đại đô thị 1,5 triệu dân, nơi tập trung hơn một phần tư dân số Bulgaria, nó yên bình đến kì lạ.

Sofia
Nhà thờ thánh St. Sedmochislenitsi – Ảnh: Melissa Maples

Sofia cũng là thành phố khiến cho tôi chiêm nghiệm về những giá trị xưa nối vào nay, hay chính xác hơn là nay bồi đắp quanh những giá trị xưa. Người Bulgaria như không có thói quen bỏ đi những giá trị cũ. Lịch sử mỗi dân tộc đều có những khoảng bi hùng, bao can qua để thời cuộc đổi thay. Nhưng cái mới lên đều muốn kế thừa chứ không chỉ đập tan nát, xoá sổ hoàn toàn những giá trị cũ. Cuộc sống như một dòng chảy bất tận. Không thể ngăn dòng nước cuộc đời ngừng chảy. Đương nhiên cái mới phải sinh ra, phải vươn lên, cái cũ phải nhường chỗ. Măng thay tre. Con sông tiếp nhận những dòng suối. Nhưng cây măng chớ quên bụi tre đã ôm ấp che chở mình. Dòng sông hình thành sao được nếu không có những con suối gộp trong rừng sâu im vắng*. Dòng sông lớn sao được nếu chặn lại tất cả những dòng suối cũ. Sofia là một thủ đô như vậy, là nơi chỉ biết tiếp nhận chứ không gạt bỏ những giá trị thu nhập được trong lịch sử kết nối và giao thoa biết bao nền văn hoá. Cách nhau vài bước chân cùng lừng lững sát cạnh nhau những nhà thờ Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Thánh đường đạo Do thái. Cung vua của những vị Sa hoàng cũ cạnh nơi trước đây là Trụ sở của những người Cộng sản Bulgaria. Công trình tưởng niệm Hồng quân Liên xô vẫn còn đó, tôi hỏi thì chú Ivelin, người bạn của mẹ đi cùng trả lời: “Tại sao lại phải bỏ, chúng tôi ai chẳng là con cháu của những người đã xây dựng Chủ nghĩa Xã hội suốt 50 năm”. 500 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Ottomane Hồi giáo cũng như nửa thế kỷ Cộng sản Vô thần không làm biến mất Văn hoá Cơ đốc giáo Bulgaria, cũng như ngày nay, nền Dân chủ mới vẫn giữ lại những biểu tượng của 50 năm Xã hội chủ nghĩa…

Sofia
Quần thể Largo (Ларго) – Ảnh: Aleksandra V

Xem chi tiết :

Đổi tiền :

Bulgaria chưa dùng tiền euro (€) mà dùng đồng lev – số nhiều là leva (viết tắt là лв (lv) hay BGN). Để chuẩn bị cho Bulgaria gia nhập khu vực dùng đồng €, tỉ giả giữa đồng lev và euro là không đổi từ năm 1999, 1€ ăn 1,95 lev. Để dễ tính toán khi mua hàng, nên quy đổi 1лв bằng 0,5€. Việc đổi tiền ở những thành phố lớn như Plovdiv tương đối đơn giản, gần như tất cả các chi nhánh của ngân hàng lớn đều cho đổi euro với tỉ giá này. Chỉ nên tránh đổi tại các khu vực nhà ga, bến xe hay sân bay sẽ bị tỉ giá không lợi; cũng như tuyệt đối tránh đổi ngoài đường, dễ gặp lừa đảo. Nên hỏi họ trước xem họ có lấy phí dịch vụ hay không. Nếu không có thể hỏi họ trực tiếp ở đâu đổi không có phí dịch vụ.

Dùng Revolut – Thẻ tín dụng đổi ngoại tệ miễn phí với tỉ giá tốt nhất :

Ngay cả với những người chỉn chu và kỹ tính nhất, với những dịch vụ truyền thống, vẫn chưa có phương án tối ưu cho một vấn đề thường gặp khi lên đường, đó là việc đổi ngoại tệ. Nếu không bận tâm gì nhiều thì tiện nhất là cứ quẹt thẻ, hay dùng thẻ ra ATM rút tiền bản địa khi tới nơi. Tuỳ vào loại thẻ và loại hợp đồng mà bạn đã kí, mà bạn sẽ có tỉ giá tốt hay không, cùng kèm các phí dịch vụ nhiều hay ít đi kèm. Nếu cầm theo tiền mặt, rồi hơi để ý và mất công tìm những chỗ đổi tiền có tỉ giá tốt nhất để đổi, thì vẫn chưa chắc đã là tiết kiệm nhất, vì nếu đổi thừa tiền, nhất là với những đồng tiền không phổ biến, thì cũng thành vật kỷ niệm mang về nhà mà thôi.

Thẻ tín dụng Revolut ra đời để giải quyết bài toán này. Vậy tóm tắt Revolut là gì, nó là một thẻ tín dụng mà bạn không mất bất cứ phí dịch vụ đổi tiền nào, và tỉ giá mà Revolut đổi cho bạn luôn là tỉ giá tốt nhất.

Tại sao tỉ giá Revolut đảm bảo cho bạn là tỉ giá tốt nhất. Vì tỉ giá mà hãng dùng là tỉ giá liên ngân hàng. Giải thích đơn giản, tỉ giá liên ngân hàng là tỉ giá giữa các ngân hàng dùng để mua bán ngoại tệ với nhau. Bạn Google ra tỉ giá nào thì đấy là tỉ giá sẽ được áp dụng cho Revolut, thay đổi theo thời gian thực, biến đổi từng giây khi thị trường mở cửa. Click vào đây để đọc hướng dẫn chi tiết về Revolut.

‎Revolut: Send, spend and save
‎Revolut: Send, spend and save
Revolut: Spend, Save, Trade
Revolut: Spend, Save, Trade
Developer: Revolut Ltd
Price: Free
Ngôn ngữ :

Có một việc hơi bất tiện khi đi du lịch Bulgaria, nhất là khi đến các vùng hẻo lánh là họ dùng bảng chữ cái Cyrillic (Kirin) khiến nhiều khi mình như người mù chữ, không đọc được tên quán ăn, địa chỉ v.v. Có thể dùng trang bg.translit.cc để chuyển đổi ký tự Kirin sang bảng chữ cái latinh, bét ra là sẽ đọc được địa chỉ, đánh vần được và đoán mò một số thuật ngữ.

Sofia
Nhà thờ thánh St. Alexander Nevsky, Sofia – Ảnh: Piotr Krawiec

Thuê xe tự lái :
  • Thuê xe tại Sofia : Chuyến đi lần này của chúng tôi là một chyến roadtrip thuê xe tự lái để tiết kiệm thời gian, và tận dụng giá cả tại Bulgaria còn tương đối rẻ. Tôi tìm được một hãng thuê xe giá bằng khoảng một nửa so với giá thị trường và khá hài lòng với dịch vụ của họ. Hãng rất nhỏ tên mybudgy.com do hai anh em rể một Pháp một Bulgaria điều hành. Xe tuy không phải là mới, tôi thuê một xe Renault Symbol đã đi được 16 vạn cây nhưng vẫn chạy tốt và giá 15€ một ngày. Thêm 5€ nữa họ sẽ giao xe ngay tại sân bay khi mình đến rồi đến lấy xe tại khách sạn của mình. Chúng tôi chỉ giao dịch với họ trước qua e-mail và khi đến sân bay thì thấy người của hãng xe đã đợi mình theo đúng hẹn. Khi thuê xe tại Bulgaria, bình thường đã có tem phí cầu đường được mua theo năm và không phải trả thêm bất kì phí nào khác.
Visa :

Từ thời điểm ngày 31 tháng 1 nắm 2012 cho đến khi trở thành một thành viên chính thức của Hiệp ước Schengen, Bulgaria chấp nhận những ai có Visa Multiple Entry hay Thẻ cư trú còn hiệu lực của một nước Schengen như một Visa có thời hạn ba tháng vào lãnh thổ Bul.

Plovdiv
Một con phố trong Trimontium cổ – Ảnh: Piotr Krawiec

Thông báo :

Có một sự kiện buồn đã xảy ra với chúng tôi trong thời gian vừa qua. Trộm viếng nhà đã lấy đi toàn bộ máy tính, máy ảnh và quan trọng nhất là những kỉ niệm vô giá: hình ảnh những chuyến đi còn chưa kịp lưu lại trên mạng. Trong những hành trình được viết sắp tới (trong khoảng cuối năm 2016 và nửa đầu 2017), chúng tôi xin phép được tạm dùng hình ảnh trên internet để minh hoạ cho bài viết, trái với nguyên tắc của vivu là hoàn toàn sản xuất thông tin mình đăng tải. Các bạn nào cũng đi những điểm này và muốn thành cộng tác viên của vivu, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi.






 

About the author: Trần Việt Dũng

 

V I V U E R - H A N O I A N in L Y O N

Facebook-Icon